4 cảnh giới và 3 báu vật của đạo trị quốc trong lịch sử nhân loại

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Trên thế giới ngày nay, hệ thống pháp luật đang dần kiện toàn. Chúng ta thường vẫn coi đây là đỉnh cao của việc quản lý quốc gia. Tuy nhiên, nếu dành chút thời gian tìm hiểu về các phương thức của người xưa, thì chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi phát hiện ra rằng, ngay từ cách đây hàng nghìn năm, con người đã biết cách trị quốc với tư tưởng cao siêu hơn rất nhiều. 

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Trong tiến trình lịch sử của Đạo trị quốc đã trải qua 4 quá trình là: Hoàng Đạo, Đế Đạo, Vương Đạo và Bá Đạo. Trong ba báu vật trị quốc thì trọng tâm chính là “phép tắc tràn”. Bộ phận nhân loại giống nước "tràn" ra, tức thoát ly khỏi Đại Đạo, không chịu chế ước này sẽ đem lại tai nạn cho xã hội, thế là các loại tội phạm và chiến tranh bắt đầu xuất hiện, sự hài hòa của xã hội vì thế mà bị phá vỡ.

Hoàng Đạo vô vi

Đạo trị quốc bắt đầu từ Hoàng Đạo. Theo các văn hiến cổ, "Hoàng" là Thần linh đến từ tầng cao của vũ trụ. Họ giáng thế cõi nhân gian, truyền thụ trí huệ và văn hóa cho nhân loại. Đó tuyệt đối không phải là trí tuệ mà người phàm tục có thể sáng tạo ra được, do đó gọi là văn hóa Thần truyền.

Sách Xuân Thu Vận Đấu Khu cũng viết: "Hoàng đại biểu cho Trời, Đạo Trời không nói mà bốn mùa tuần hoàn, vạn vật sinh sôi… Họ có đạo đức cực cao, lời họ nói ra thì bách tính đều không trái lại”.

Vào thời kỳ đó, thiên hạ thi hành theo Đại Đạo, vàng ở khe núi không có người khai thác, châu ngọc đá quý ở dưới sông suối không có người mò vớt, bách tính cùng với thiên nhiên hòa thành nhất thể.

Khi đó trên trái đất đâu đâu cũng là kỳ hoa dị thảo, Tiên cầm Thần thú, con người tương thông với Trời Đất, Thần linh, cuộc sống rất đơn giản và hạnh phúc. Nhân loại thời đó hành xử theo Đạo, không có các cơ quan chính phủ.

Đế Đạo lập đức

Sách Lạc Thư có viết: "Sau khi Hoàng Đạo sa sút, tiêu vong, Đế Đạo bắt đầu hình thành thịnh vượng"

Thời kỳ Ngũ Đế là mở đầu từ Hoàng Đế. Sách Thuyết Văn Giải Tự viết: "Chữ Đế trong từ hoàng đế (vua) đồng nghĩa với chữ Đế trong từ diệu đế (chân lý), ý nghĩa là có thể quan sát rõ chân lý của thế gian vạn vật, là danh xưng của quân vương thống trị thiên hạ".

Khi tâm hồn con người dần không còn thuần chân như thời kỳ Tam Hoàng nữa, xã hội tương ứng xuất hiện các tai họa như tội phạm, chiến tranh... Lúc này "Đế" ứng vận sinh ra. Họ dùng Đức để quy phạm hành vi của người dân. Đây chính là điều mà Lão Tử nói: "Đạo mất thì sau đó mới có Đức".

Lấy ví dụ dưới đây để nói rõ. Khi nhân loại thuần chân vô tà thì hoàn toàn không biết lừa dối là cái gì. Họ cũng không có khái niệm "thành tín", bởi vì không có dối trá. Điều này giống như trẻ nhỏ ngây thơ trong trắng, hoàn toàn không biết lừa dối. Nói chuyện thành tín với bé thì trái lại còn gây ô nhiễm cho tâm hồn bé. Đây chính là Đạo, trạng thái tiên thiên thuần chân nhất của sinh mệnh.

Khi sinh mệnh rời xa Đạo, sinh ra lừa dối thì phá vỡ sự hài hòa của xã hội vốn có, lúc này sẽ tương ứng sinh ra Đức, ví dụ như Thành Tín để quy chính sinh mệnh bị sai lệch, cũng như sinh ra ác thì sẽ kiến lập nên thiện, sinh ra tranh đấu thì sẽ kiến lập nên khiêm nhường. Khi Đức đầy đủ thì sẽ quy về nhập Đạo.

Vô vi nhi trị

Giống như sự vận hành của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể người, như hô hấp, nhịp tim, tiêu hóa, những hoạt động này không cần sự can thiệp của con người. Quy luật tự nhiên này có thể gọi là Đạo của thân thể người. Nếu can thiệp vào thì bạn nghĩ xem, làm như vậy trạng thái cân bằng tự nhiên của thân thể người bị phá vỡ, sẽ nhanh chóng dẫn đến rối loạn chức năng phải không?

Thiên nhiên cũng như vậy, đều tự động vận hành theo Đạo của tự nhiên. Nếu sự tuần hoàn của bốn mùa, của nước, của khoáng chất, của sinh vật, của khí quyển, của thiên nhiên... mà có sự can thiệp của con người, thế thì thiên thiên sẽ tàn phá, dẫn đến thiên tai không ngừng.

Đạo lý dưỡng sinh trong Đông y cũng như thế. Thân thể người bị tổn hại do thất tình lục dục đã phá hoại sự cân bằng, từ đó lệch khỏi Đạo của thân thể người, làm nảy sinh các loại bệnh tật và thống khổ. Lúc này cần thông qua các biện pháp để chữa trị.

Vậy thì Đạo trị quốc cũng thế. Sách Hoài Nam Tử có chép: “Sau khi Hoàng Đế trị sửa thiên hạ thịnh trị, ngoài đường không nhặt của rơi, đêm ngủ không đóng cửa, thiên hạ không có trộm cắp, trong chợ không có lừa dối, thiên hạ không tranh đoạt. Đây chính là xã hội mà Hoàng Đế đã thực hiện vô vi nhi trị thành công”.

trong thời gian Hoàng Đế trị vì, thiên hạ thịnh trị, Trời và người cảm ứng, liên tiếp có những điềm lành. Cảnh tượng xuất hiện trên không trung, có cỏ Thần mọc ở trước sân. Mỗi khi có người gian nịnh vào thì cỏ chỉ về hướng người đó. Cỏ có tên là khuất dật. (13) Khi đó phượng hoàng giáng hạ xuống nhân gian, làm tổ ở trong cung, rồng kéo xe cho Hoàng Đế, kỳ lân đi lại trong vườn...
Trong thời gian Hoàng Đế trị vì, thiên hạ thịnh trị, Trời và người cảm ứng... (Ảnh: Shutterstock).

Đạo Bá Vương

Sau thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế là bước vào thời kỳ Tam Vương Ngũ Bá.

Khổng Tử nói: "Chữ Vương (王) là một nét sổ xuyên suốt 3 nét ngang tạo thành. 3 nét ngang đại biểu cho Tam Tài là Thiên (Trời), Địa (Đất) và Nhân (con người), ý nghĩa là người có thể quán thông Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân thì gọi là Vương".

Vương dựa theo đạo đức, dùng biện pháp lễ nhạc quy phạm hành vi của bách tính. Đến thời kỳ Xuân Thu, Vương Đạo suy yếu, đến mức lễ băng nhạc hoại, các chư hầu trong thiên hạ liền tới tấp xưng bá. Bá Đạo ứng vận sinh ra. Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Tống Tương Công, Sở Trang Vương gọi là Ngũ Bá.

Ngũ Bá dựa vào quyền mưu và trí xảo, dựa vào vũ lực, mượn danh nhân nghĩa để thiên hạ quy phục. Bá Đạo trị quốc, thích công lớn, đem toàn bộ quyền lực quốc gia tập trung vào trong tay một người là quân chủ, nắm quyền sinh sát, sau đó dựa vào uy thế cường quyền khiến pháp lệnh được thi hành.

Chúng ta có thể phát hiện ra một quy luật rằng, quá trình trị quốc và sự suy bại của lòng người trong xã hội là đồng bộ với nhau.

Đến cuối thời Chiến Quốc, Tần Thủy Hoàng bình định 6 nước kiến lập triều Tần, xây dựng vương triều đại nhất thống đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.

Ba báu vật trị quốc

Quá trình trị quốc trong lịch sử Trung Hoa, có thể quy nạp thành ba yếu tố, tạm gọi là ba báu vật trị quốc, là: Đạo, Thuật và Khí (công cụ).

  • Trong đó thì Đạo là tâm pháp, dùng đạo đức, nhân tâm, ước thúc con người tự giác từ căn bản nhất.
  • Thuật là thủ pháp, là phương pháp bên ngoài, như sử dụng Lễ, nhạc, hình pháp.
  • Khí (công cụ) là bộ máy nhà nước. Quân đội, cơ cấu chính phủ và bộ phận hành chính... đều thuộc về công cụ.

Giữa 3 yếu tố có tồn tại quan hệ trọng yếu gọi là “phép tắc tràn”. Đó là gì?

Lấy ví dụ: Nước vốn thuận theo Đạo tự nhiên, tự động tuần hoàn và tịnh hóa ở trong các mạch nước ngầm, lặng lẽ làm lợi cho vạn vật. Khi mạch nước ngầm bị phá hoại, không thu nhận và dung nạp được nhiều nước như trước, thì phần nước ngầm tương ứng sẽ dần trồi lên mặt đất, ngập đất đai, trở thành tai hại. Lúc này, cần mở sông ngòi ao hồ để dẫn phần nước tràn trở về với Đạo của tự nhiên, tiếp tục tuần hoàn, tịnh hóa, làm lợi cho vạn vật.

Cùng với việc môi trường tự nhiên không ngừng bị tàn phá và xấu đi, sông ngòi cũng bị biến dòng, khiến nước tràn tạo thành lũ lụt. Lúc này cần khơi dòng sông ngòi, xây đắp đê điều.

Sự vận động tuần hoàn của thiên nhiên cũng như vậy, đều tự động vận hành theo đạo của tự nhiên, tất cả đều hài hòa hoàn mỹ, sống động không ngừng nghỉ. Sự can thiệp của con người luôn luôn dẫn đến việc thế giới tự nhiên bị phá hoại và hủy diệt.
Sự vận động tuần hoàn của thiên nhiên cũng vận hành theo Đạo của tự nhiên, tất cả đều hài hòa hoàn mỹ. (Ảnh: Pexels).

Cùng cái lý như thế, thuở ban đầu nhân loại có tâm hồn thuần chân, tự nhiên vận hành trong Đạo, giống như nước tự động vận hành ở các mạch ngầm. Khi tâm hồn nhân loại dần sinh ra các loại tư tâm, tham dục, thì giống như mạch nước bị phá hoại, nước ngầm tràn lên bề mặt. Bộ phận nhân loại "tràn" ra, tức thoát ly khỏi Đại Đạo này sẽ đem lại tai nạn cho xã hội, thế là các loại tội phạm, tệ nạn xã hội phức tạp và chiến tranh bắt đầu xuất hiện.

Khi ấy, Đế Vương phải kiến lập ra đức để quy phạm nhân tâm, giống như mở sông ngòi ao hồ, khai thông dòng chảy, để chế ước nước tràn trên bề mặt đất vậy.

Khi nhân loại càng bại hoại hơn, cũng giống như việc môi trường tự nhiên bị phá hoại nghiêm trọng, nước lũ sẽ ngày càng lớn. Lúc này thì người ta phải không ngừng gia cố, xây dựng đê điều cao hơn, ứng với Bá Đạo xuất hiện, dùng cường quyền áp chế.

Quá trình trị thủy và quá trình trị quốc thực ra là như nhau. Cũng có thể nói, khi cơ chế nội tầng không đủ để chế ước thì sẽ sinh ra tràn, tạo thành tai nạn. Khi thế tràn ngày càng điên cuồng, cuối cùng sẽ dẫn đến kết quả là: cơ chế bên ngoài như Pháp luật quá nhiều sẽ khiến tất cả mọi người bị vây khốn; hoặc là cơ chế bề mặt phải bị phá bỏ triệt để, tạo thành đại hủy diệt.

Vậy làm cách nào để vãn hồi điều này?

Đạo gia trị quốc

Lão Tử nói: "Đại Đạo mất rồi thì mới xuất hiện và đề xướng nhân nghĩa; người dân trở nên thông minh trí tuệ rồi thì đại gian tà ngụy giả cũng bắt đầu xuất hiện; người thân trong gia tộc không hòa mục rồi thì mới xuất hiện hiếu từ; khi quốc gia đen tối hỗn loạn thì mới xuất hiện bề tôi trung trinh".

Từng bước đi xuống, cuối cùng đến ngày nay đã rất đen tối. Tâm hồn yếu ớt và trống rỗng của nhân loại hoàn toàn gửi gắm vào việc hưởng thụ vật chất bên ngoài để tồn tại, bước trên con đường một đi không trở lại. Trái ngược với cổ nhân, thành quả trị quốc của ĐCSTQ là người dân vì lợi ích mà không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Sữa nhiễm độc, dầu ăn tái chế từ rãnh nước thải, thức ăn gia súc chứa chất gây ung thư, biến đổi gen, vaccine độc, trứng nhân tạo, gạo làm bằng nhựa, rau phun chất kích thích, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất đai, các công trình rút ruột kém chất lượng, đàn áp tín ngưỡng. Đây lẽ nào là cuộc sống hạnh phúc mà nhân loại tìm kiếm và mong đợi?

Lão Tử nói: "Cấm kỵ càng nhiều thì bách tính càng bần cùng; thủ đoạn càng nhiều thì quốc gia càng hỗn loạn; tâm cơ trí xảo càng nhiều thì tà đạo càng thịnh hành; pháp luật chế độ càng nhiều càng hà khắc thì đạo tặc xuất hiện càng nhiều”.

Thật ra, Đạo gia trị quốc lại chính là 'làm phép trừ', không ngừng trừ bỏ các loại dục vọng, tà niệm, như Lão Tử nói: "Vì không tranh nên thiên hạ không có ai tranh với họ".

Làm phép trừ

Theo lý tương sinh tương khắc của Đạo gia, nếu khiến nhân tố chính trở về trong Đạo, thì nhân tố phụ cũng tự nhiên giải thể, không còn tồn tại. Nói đơn giản là khi khiến đạo đức thăng hoa, thì những bất ổn xã hội cũng dần được cải thiện. Duy nhất trở về trong Đạo, mới có thể nhảy ra được, đó chính là trí huệ của đại Đạo.

Như ở Phần Lan, bạn khó tưởng tượng có nhà tù mà không dây thép gai, phạm nhân được trượt tuyết, câu cá. Do vậy, người ta gọi đây là "nhà tù mở". Thậm chí gần đây, các nhà tù lần lượt đóng cửa vì không có phạm nhân.

Nhà tù Halden ở Na Uy thì tù nhân có thể nấu ăn, tham gia các hoạt lành mạnh. Ý tưởng thiết lập nhà tù đặc biệt này là đối xử với tù nhân như những người bình thường, nhờ đó họ sẽ tái hòa nhập cộng đồng với suy nghĩ lành mạnh.

Thời cổ đại, người giỏi việc dùng Đạo trị quốc không phải là khiến bách tính tinh khôn trí xảo, mà là “làm phép trừ”, trừ bỏ thứ xấu, khiến bách tính đơn thuần đôn hậu.

Đạo gia giảng rằng: Sau khi trở về với Đại Đạo, sẽ không biết thành tín, nhưng lời nói của con người là tín; không có hiếu từ, nhưng nhà nhà đều hòa hiếu; không có nhân nghĩa, nhưng người người đều tôn kính và thương yêu lẫn nhau. Trở về với Đại Đạo, thiên hạ không còn cái ác, nên cũng không biết đến có cái thiện, nhưng người người sinh ra đã là chí thiện.

Do đó Lão Tử nói: "Quân vương đạt đến cảnh giới trị quốc chí cao thì bách tính trong thiên hạ hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của ông; quân vương ở cảnh giới thấp hơn thì bách tính trong thiên hạ đều thân cận và ca tụng ông; quân vương ở cảnh giới thấp hơn nữa thì bách tính trong thiên hạ đều e sợ ông; quân vương ở cảnh giới thấp nhất thì bách tính trong thiên hạ đều khinh miệt và nhục mạ ông”.

Khi nhân loại không có việc tấn công lòng người, đấu trí, người này lừa người kia; thì các cơ cấu quân đội, chính phủ đều không có chỗ sử dụng. Nhân loại đã rời xa Đạo quá lâu và quá xa rồi, cần quay đầu lại, vì nhân loại đã đi đến tận cùng rồi, nếu không quay lại nữa thì điều chờ đợi phía trước chính là thảm họa và kết thúc.

Khi con người mở ra cánh cửa siêu thường mà quay về với chân ngã tiên thiên, thăng hoa sinh mệnh của bản thân mình. Họ có thể Đắc Đạo mà quay về. Đó cũng là bài học cuối, quan trọng nhất mà con người nên hiểu được, để có lựa chọn đúng cho bản thân.

Phương Lam tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

4 cảnh giới và 3 báu vật của đạo trị quốc trong lịch sử nhân loại