Bí quyết phòng chống cảm lạnh thông thường bằng phương pháp Đông y

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cảm lạnh là bệnh có thể gặp ở 4 mùa trong năm, đặc biệt là mùa thu và mùa đông. Nguyên nhân do chính khí (sức đề kháng) kém, hàn tà (yếu tố gây bệnh) xâm nhập vào cơ thể.

Triệu chứng của cảm lạnh

Triệu chứng chủ yếu khi bị cảm lạnh gồm:

  • Ho,
  • Hắt hơi,
  • Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi trong,
  • Sợ lạnh, sợ gió,
  • Sốt nhẹ,
  • Không ra mồ hôi,
  • Đau người, đau mỏi các khớp xương, vô lực, mệt mỏi.

Theo Đông y, hệ thống miễn dịch hoạt động giống như một hàng rào bảo vệ. Chúng ta bị bệnh là do hàng rào này bị yếu hoặc mầm bệnh đặc biệt mạnh. Để đề phòng cảm lạnh, chúng ta cần giữ cho hàng rào bảo vệ được vững chắc và đủ mạnh để ngăn chặn những kẻ ngoại xâm.

Khi hệ thống miễn dịch suy yếu chúng ta dễ bị mắc các loại bệnh. (Ảnh: pixabay.com)

Trong trường hợp bạn đang phải đối mặt với bệnh cảm lạnh, điều cần làm là không để cảm lạnh xâm nhập sâu hơn, khiến bạn bị ốm. Nếu việc ngăn chặn này thành công, bạn có thể chỉ bị rát họng và sớm trở lại trạng thái khỏe mạnh bình thường. Nếu không, bạn phải chịu những cơn ho và sổ mũi.

Dưới đây là một số cách giúp phòng ngừa và điều trị bệnh cảm lạnh

  • Phương thuốc cổ truyền của Trung Quốc để chống lại cảm lạnh ở giai đoạn đầu là uống bát nước súp thịt nóng kèm hành lá và gừng giã nhỏ, sau đó lên giường nằm để cho cơ thể vã mồ hôi. (Tắm nước nóng hoặc xông hơi khô cũng có tác dụng). Hành lá và gừng đều là thảo mộc có tính nóng, giúp chống lại cảm lạnh trong giai đoạn đầu. Không những thế, cách trị cảm này còn rất ngon nữa!
  • Nếu bạn bắt đầu cảm thấy ớn lạnh, hãy nghỉ ngơi. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng cơ thể bạn đang dùng đến một phần năng lượng của tự thân để phản ứng lại, vì thế cần hỗ trợ cơ thể của bạn. Ngoài ra, cơ thể sẽ được hồi phục khi bạn nghỉ ngơi, vì vậy nếu nghĩ rằng bản thân có thể vượt qua mà không cần nghỉ ngơi mà không bị cảm lạnh, thì bạn có thể đã mắc sai lầm rồi đấy.
Cơ thể sẽ được hồi phục khi bạn nghỉ ngơi. (Ảnh: pixabay.com)
  • Hãy dùng thử kẽm. Nghiên cứu về kẽm cho thấy nó có thể rút ngắn thời gian cảm lạnh của bạn xuống còn một hoặc hai ngày. Kẽm có hiệu quả trong việc chống lại cảm lạnh nếu bạn dùng nó đủ sớm — trong vòng 24 giờ đầu tiên khi cảm thấy các triệu chứng. Kẽm có đặc tính chống virus, vì vậy ngay sau khi bị đau họng, bạn nên uống một ít kẽm, và trong hầu hết các trường hợp có thể tránh được cảm lạnh toàn thân. Một số lưu ý với kẽm: nó có thể gây khó chịu cho dạ dày của bạn, vì vậy hãy dùng trong các bữa ăn và với liều lượng không quá 25 mg mỗi lần. Hơn nữa, kẽm có thể làm rối loạn khứu giác của bạn, vì vậy hãy tránh các chế phẩm nhỏ mũi có chứa kẽm.
  • Uống trà: Trà nóng giúp làm dịu cổ họng của bạn và làm loãng đờm khiến bạn đẩy chúng ra ngoài dễ hơn.
  • Chanh và mật ong giúp loại bỏ cơn ho: Nếu không có xi-rô thảo mộc trị ho, bạn có thể dùng nước chanh và mật ong pha với nước nóng hoặc trà.
  • Lá cúc tần tươi: Lá cúc tần có tính ấm, vị cay và thơm, là nguyên liệu để điều chế bài thuốc Đông y hỗ trợ điều trị cảm lạnh hiệu quả. Công dụng chính của lá cúc tần là giảm đau, hạ sốt, giải nhiệt và giải độc. Nguyên liệu này đặc biệt phù hợp với tình trạng sốt không ra mồ hôi và đau nhức cơ thể.

Lá non và cành non là các phần cần lựa chọn khi chuẩn bị nguyên liệu. Sau khi rửa sạch, các phần này sẽ được mang đun sôi để chắt lấy nước uống. Nước lá cúc tần đặc biệt hiệu quả khi còn nóng, bởi nó giúp người bệnh vã mồ hôi nhanh. Do đó, bệnh cảm lạnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau từ 2 đến 3 ngày thực hiện.

  • Lá dâu, hoa cúc và cam thảo: Lá dâu, hoa cúc, cam thảo là những vị thuốc có thể dễ dàng tìm thấy ở nhà thuốc bắc. Chúng có công dụng trừ phong tán nhiệt, mát phổi và cắt cơn ho. Do đó, bài thuốc này thường được sử dụng để điều trị bệnh cảm lạnh do thời tiết. Ngoài ra, bài thuốc còn làm giảm các triệu chứng của bệnh như nghẹt mũi, đau họng, ho có đờm, sốt, đau đầu… Để thực hiện bài thuốc này, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và sắc lấy nước uống. Phần nước được chắt ra có thể dùng để thay cho nước chè xanh.

Đức Huy

Tổng hợp (Theo nguồn chính The Epoch Times)



BÀI CHỌN LỌC

Bí quyết phòng chống cảm lạnh thông thường bằng phương pháp Đông y