Cách dỗ con sai mà 95% bố mẹ đang làm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một số việc cho dù có hiệu quả giáo dục tức thời, nhưng lại bất lợi cho việc dưỡng thành thói quen nhận biết đúng sai và hành vi của trẻ.

Giáo dục con trẻ là một môn học của trường đại học, vừa phải hiệu quả nhưng cũng không thể phản tác dụng. Ở thời đại không chủ trương đánh mắng, cha mẹ chỉ có thể dạy dỗ con bằng những lời răn dạy, làm gương. Có một số việc cho dù có hiệu quả giáo dục tức thời, nhưng lại bất lợi cho việc dưỡng thành thói quen nhận biết đúng sai và hành vi của trẻ. Vì vậy các bậc cha mẹ nhất định phải chú ý!

1. Uống thuốc không đắng, tiêm không đau

“Con ngoan, cắn một miếng đi, thuốc này ngọt lắm”. “Con đừng sợ, tiêm không đau gì cả, tiêm một lần là khỏi”. Dù là uống thuốc hay tiêm, thường thấy một số phụ huynh nói với con như thế này.

Cha mẹ muốn con mình ngoan ngoãn đi tiêm, uống thuốc, nhưng không nên vì dỗ con mà dùng những lời nói dối để trẻ tiếp nhận. Có lần thứ nhất và lần thứ hai, nhưng đến lần thứ ba, việc yêu cầu bé ngoan ngoãn đi vào khuôn khổ, e rằng không phải là điều dễ dàng.

Muốn tạo cho bé một khoảng đệm tâm lý và an ủi, cha mẹ có thể nói với con rằng: “Tiêm có hơi đau một chút, nhưng chịu khó một chút sẽ mau khỏi”. Hoặc cũng có thể động viên: “Nếu con nhịn không khóc, thì đúng là một em bé dũng cảm. Nhưng nếu có khóc cũng không sao, có mẹ ở đây rồi".

Các Bà Mẹ, Con, Xác Ướp, Đáng Yêu, Gia Đình
Ảnh: Pixabay

2. Chờ lần sau, đợi sau đi

"Mẹ, chúng ta đi công viên chơi nhé?"
"Chờ lần sau có thời gian, chúng ta lại đi!"

"Ba, ba hứa tuần này sẽ cùng con đi chơi thả diều!"
"Tuần này ba phải tăng ca, chờ lần sau đi..."

Trong cuộc sống, chúng ta thường vì công việc bận bịu mà những lời hứa với con trẻ bị trì hoãn "đến lần sau" hoặc là "để sau", hơn nữa dường như không có hồi kết... Hành vi của bản thân cha mẹ là cách giáo dưỡng con trẻ tốt nhất. Nếu cha mẹ luôn không giữ lời hứa với con, đứa trẻ sẽ tự nhiên mất đi sự chỉ dẫn cho hành vi của mình.

Tự thân dạy dỗ, mới có thể bồi dưỡng được một đứa trẻ có tinh thần trách nhiệm và thành tín, đây chính là hành trang vô giá trong cuộc đời con trẻ.

3. Đừng nói với mẹ

"Đây là tiền tiêu vặt mà bà nội cho, tuyệt đối đừng nói cho mẹ biết nhé!"

"Đi! Ba sẽ dẫn con đi ăn kem, nhưng con phải giữ bí mật, không được nói với mẹ!"

Về vấn đề giáo dục con trẻ, rất nhiều gia đình cũng sẽ phân ra nhân vật "mặt đỏ" và "mặt trắng". Phương thức giáo dục có nghiêm ngặt, có yêu thương là không có gì sai. Tuy nhiên, bởi vì quan điểm giáo dục giữa người lớn trong nhà không đồng nhất, dẫn đến không chỉ dạy trẻ nói dối, ảnh hưởng đến việc bồi dưỡng tính tự chủ, mà còn cản trở trẻ hiểu đúng về hành vi của bản thân.

Vì vậy về việc này người lớn trong cùng một nhà cần phải chú ý.

Đứa Trẻ, Cô Gái, Cha, Hạnh Phúc, Con Gái, Nụ Cười, Bé
Ảnh: Pixabay

4. Khi nào lớn lên con sẽ biết

"Mẹ, con được sinh ra như thế nào?"
"Khi nào con lớn lên sẽ biết!"

"Ba, tại sao con người không thể bay?"
"Ừm, chuyện này, lớn lên con sẽ hiểu!"

Thế giới của trẻ em tràn ngập sự ngây thơ, chúng luôn đặt ra những câu hỏi muôn hình vạn trạng. Vì vậy, kiểu trả lời này chẳng những không thỏa mãn được sự tò mò của con, mà còn cản trở mong muốn tiếp tục khám phá của trẻ.

Cha mẹ nên trả lời mọi câu hỏi của trẻ một cách nghiêm túc và khéo léo, như vậy sẽ thỏa mãn trí tò mò của trẻ và khuyến khích trẻ chủ động khám phá.

5. Con là đứa trẻ thông minh, xinh đẹp nhất

Mỗi khi con trẻ khoác lên mình bộ đồ mới, cha mẹ không khỏi xuýt xoa khen ngợi: “Con gái mẹ xinh đẹp nhất!”; “Con trai mẹ đẹp trai nhất!".

Đứa trẻ đưa cho mẹ xem các khối đồ chơi đã được xếp hình, ngay lập tức người mẹ nói: "Thật tuyệt vời, con trai mẹ là em bé thông minh nhất trên thế giới!"

Khen ngợi cổ vũ con trẻ vốn không có gì sai, và mỗi đứa trẻ trong mắt của cha mẹ mình đều là tốt nhất. Tuy nhiên, dung mạo là sẽ theo thời gian mà phát sinh cải biến, tùy theo kết giao mở rộng, con trẻ sẽ phát hiện rằng mình cũng không thông minh đến như vậy. Vì vậy nếu có một ngày không còn nghe được những lời tán thưởng này, thì hẳn là chúng sẽ không còn tự tin.

Khi con trẻ có biểu hiện xuất sắc, cha mẹ không nên quá mức khen ngợi con, mà hãy khẳng định sự cố gắng và nỗ lực của trẻ, đồng thời hy vọng lần sau trẻ có thể làm tốt hơn.

6. Mẹ không thích con, không cần con nữa

"Đừng khóc nữa, còn khóc thì mẹ sẽ không thích con nữa!"

"Trong nhà chúng ta không có một đứa trẻ giống như con! Không cần con nữa!"

Khi các bà mẹ đối mặt với tiếng gào khóc của con trẻ và cảm thấy khó chịu, thường sẽ buông ra những lời đe dọa. Kiểu biểu đạt mỉa mai này quả thực rất hiệu quả đối với đứa bé, nhưng nó sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy bất an.

Khi mối quan hệ gắn bó bị phá hủy, trẻ sẽ biểu hiện những hành vi như thu mình lại, nhạy cảm, tự ti, nghi ngờ và không ổn định về cảm xúc.

Công Viên, Mẹ, Cô Gái, Mama, Con, Trẻ Mới Biết Đi
Khi mối quan hệ gắn bó bị phá hủy, trẻ sẽ biểu hiện những hành vi như thu mình lại, nhạy cảm, tự ti, nghi ngờ và không ổn định về cảm xúc. (Ảnh: Pixabay)

7. Ngoan nào, không cần con giúp

Sau khi ăn xong, bé muốn giúp bạn thu dọn bát đĩa, bạn vội chạy lại và nói: “Đừng động vào, để đấy mẹ làm, không thì rơi vỡ mất!”.

Thấy bạn đang quét dọn, bé cũng cầm chổi giúp quét nhà, bạn chộp lấy và nói: "Ngoan, không cần con giúp, hãy đi nơi khác chơi thôi!"

Làm như vậy, chẳng những dễ dàng đả kích lòng tự tin của trẻ, mà còn bất lợi cho việc bồi dưỡng khả năng tự gánh vác, dễ dàng khiến trẻ dưỡng thành thói quen ỷ lại.

Khi bé sẵn sàng chủ động làm điều gì đó, cha mẹ nên hỗ trợ và khuyến khích nhiều hơn. Lần này bé chưa làm tốt, cha mẹ nên khéo léo chỉ ra những thiếu sót, đồng thời chỉ dạy trẻ các phương pháp, kỹ năng. Từ đó khuyến khích bé làm tốt lần sau.

8. Cha mẹ làm việc này đều là vì muốn tốt cho con!

Nhiều bậc cha mẹ đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau cho con cái họ từ khi còn nhỏ, chẳng hạn như các lớp học theo sở thích và năng khiếu. Khi một đứa trẻ không hài lòng, học không tốt, không đến lớp, cha mẹ sẽ luôn nói: "Cha/mẹ làm việc này là vì muốn tốt cho con!"

"Cha mẹ vì muốn tốt cho con", khi còn nhỏ, chúng ta vốn cũng không thích cha mẹ nói như vậy.

Không nghi ngờ gì rằng động cơ của các phụ huynh đều tốt, nhưng kết quả thực tế lại không lý tưởng. Bởi vì đứa trẻ dưới sự áp lực vô hình sau câu nói này, một số trẻ sẽ trở nên nổi loạn.

Các lớp năng khiếu tài nghệ có thể được lựa chọn theo sở thích của trẻ, nếu gia đình không có năng khiếu âm nhạc thì cũng không nên ép trẻ phải có trình độ âm nhạc tài giỏi…

Trên đây là cách mà các bậc cha mẹ dạy dỗ con có thể thường thấy trong cuộc sống thường ngày. Những cách nói này tuy có hiệu quả tức thời đối với trẻ, nhưng lại tác dụng ngược về lâu dài, hơn nữa còn ảnh hưởng đến sự dưỡng thành nhân cách của trẻ. Mỗi người lớn chúng ta hãy nhìn lại, xem mình có đang mắc sai lầm tương tự như vậy không nhé!

Hòa An
Theo Vision Times

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Cách dỗ con sai mà 95% bố mẹ đang làm