Đằng sau sét đánh thường có nhân quả  

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Người xưa tin rằng tất cả mọi thứ trên thế gian đều được điều khiển bởi các vị Thần, chẳng hạn như sấm sét, điện, nước, lửa và gió… Tương truyền, Lôi Công có hai cánh trên lưng, ba mắt trên trán, mặt đỏ như khỉ, bàn chân như móng vuốt đại bàng, tay trái cầm chêm, tay phải cầm chùy. Ông là vị Thần có thể phân biệt thiện ác trên thế gian, thay Trời chấp pháp, trừng gian phạt ác.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Vì vậy, dân gian luôn tin rằng khi một ai đó hoặc một con vật bị sét đánh, phần lớn nguyên nhân nhất định là do Lôi Công đang trừng gian phạt ác. Có rất nhiều câu chuyện nhân quả do sét đánh được ghi lại trong lịch sử.

Người họ Kim bị sấm sét đuổi khỏi thuyền, may mắn thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc

Vào thời nhà Thanh, có các chuyến thuyền đến và đi từ Trấn Giang. Một hôm, trên thuyền đã đầy và chuẩn bị rời bến, đột nhiên sấm chớp đánh quanh thuyền, trong tia chớp lờ mờ thấy một chữ “Kim”. Những người trên thuyền đoán rằng đây là do Lôi Thần không hài lòng với người họ Kim, vì vậy ai đó đã hét lên: “Ai là họ Kim? Hãy nhanh lên bờ, để tránh liên lụy chúng tôi.”

Trên thuyền có một người họ Kim không biết làm thế nào, đành khóc và rời khỏi thuyền, bước từng bước chân trên tấm ván mà lòng kinh hãi. Khi người họ Kim rời khỏi thuyền, sấm sét cũng nhỏ lại một chút. Những hành khách còn lại trên thuyền tưởng mọi chuyện đã ổn nên yêu cầu người lái thuyền lên đường ngay lập tức.

Nào ngờ khi thuyền đến giữa sông, một cơn cuồng phong ập đến, thuyền bị lật úp trong tích tắc, toàn bộ hành khách đều chết đuối, chỉ có một người họ Kim đã xuống thuyền thoát nạn. Trước khi thuyền rời bến, trong sấm chớp hiện lên chữ “Kim” để xua đuổi người họ Kim đi, không ngờ dụng ý muốn lưu lại một mình anh ta.


Vào thời nhà Thanh, có các chuyến thuyền đến và đi từ Trấn Giang. Bức tranh vẽ "Bốn chiếc thuyền" của Trương Khải Tổ nhà Minh. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Sét đánh 36 con lợn, chỉ một con sống sót

Vào đời Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh năm Quý Sửu (1673), một người dân ở huyện Thượng Hải đã mua 36 con lợn bằng bạc giả, một người khác đã đưa cho anh ta 400 đồng và nhờ anh ta thuận tiện mua giúp một con lợn, tổng cộng là 37 con lợn được đưa lên thuyền và vận chuyển về nhà. Trong thời gian thuyền di chuyển, có một tiếng sấm nổ bất ngờ và hất tung mái thuyền, khiến 36 con lợn bị sét đánh chết, chỉ duy con lợn của người khác nhờ mua là an toàn vô sự. Mọi người đều lấy làm lạ, có lẽ đây là quả báo cho kẻ mua lợn dùng bạc giả hại người.

Lại nói người bán lợn dùng số bạc bán lợn để mua đồ, bị phát hiện bạc giả nên bị đưa lên huyện nha. Huyện lệnh hỏi anh ta bạc giả từ đâu ra, người bán lợn nói rằng đó là tiền bán lợn chứ không phải bản thân làm giả. Huyện lệnh lại hỏi anh ta liệu có nhận ra người mua lợn không, anh ta nói: “Dẫu nhận ra người mua lợn, cũng không biết anh ta sống ở đâu, nhưng lợn được đưa lên tàu ở cầu Lang Gia.”

Vì vậy, huyện lệnh sai nha dịch đi điều tra các hộ thuyền, tìm được người mua lợn, và nghe nói rằng lợn bị sét đánh. Huyện lệnh khiển trách nghiêm khắc người mua lợn và phạt anh ta đeo cùm nơi công cộng.

Sét đánh cổng tường, Lôi Thần cảnh báo tướng quân Tào Tham

Trong Lâu Môn ở Tô Châu, có một vị tướng quân Tào Tham. Vào một ngày nọ, sét đánh trúng cổng nhà trên bãi đất bằng phẳng, sau khi sét đánh, trên mặt đất xuất hiện một khúc nam mộc (hay còn gọi là cây trinh nam) với dòng chữ màu đỏ, nhưng không ai nhận ra những gì được viết trên đó.

Vào thời điểm đó, Trương Thiên Sư tình cờ đang sống trong Nguyên Diệu quán, và tướng Tào Tham đã mang khúc nam mộc đến nhờ ông ấy giúp xem đó là gì. Sau khi Trương Thiên Sư xem xong nói với ông ta những gì được viết trên đó là: “Trước tạo tội nghiệt, bây giờ gieo đức, sét đánh cổng tường, phải cảnh tỉnh.”

Hóa ra tướng Tào Tham đã từng là một tù nhân bị trừng phạt vì tội bán muối lậu, vì chống lại sự truy bắt mà làm bị thương nhiều người, sau đó, ông đã hoàn toàn hối cải, gia nhập quân đội và dốc sức phục vụ. Có một địa phương gọi là Cố Sơn, rất nhiều người ở đây buôn lậu với nước ngoài. Sau khi Đề đốc Trương Thiên Lộc bắt được những người đó, ông ta muốn giết tất cả, nhưng Tào Tham nhận lệnh hành sự đã ra sức khuyên can, thỉnh cầu chỉ giết kẻ cầm đầu, và ân xá cho những người còn lại v.v.. Đề đốc nghe theo kiến nghị của ông, đây chính là “gieo đức” trong trứu văn nói.

Lý do khiến Lôi Công để lại trứu văn này có lẽ muốn nói với Tào Tham về mối quan hệ nhân quả thiện ác hữu báo, đồng thời nhắc nhở ông ấy từ nay nên hành thiện tích đức.


Có một địa phương gọi là Cố Sơn, rất nhiều người ở đây buôn lậu với nước ngoài. Đây là một phần bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ" (tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh) triều đại nhà Thanh. (Ảnh: phạm vi công cộng)

Con bất hiếu bị sét đánh

Vào ngày 19 tháng 5, năm Đạo Quang Canh Dần triều đại nhà Thanh, trời giông bão, trận lũ ở Cao Bưu đã làm mất mạng 3 người trên tàu Thái Bình, rất nhiều người vây quanh xem. Ba người chết là tri phủ sắp nhậm chức - Trác Linh A, cùng vợ là Quan thị và một người lái thuyền, họ đi từ Bắc Kinh đến Quảng Đông.

Người hầu của Trác Linh A nói rằng, mối quan hệ giữa Trác Linh A và vợ rất tốt, nhưng họ không hiếu kính mẹ già. Ông ta để mẹ sống ở sân khác, không bao giờ đến thăm, còn “thề chỉ gặp nhau ở Hoàng Tuyền”. Nhìn thấy thái độ của chồng như vậy, Quan thị cũng thờ ơ lãnh đạm với mẹ chồng.

Sau khi tin tức Trác Linh A sắp đi nhậm chức ở Quảng Đông truyền đến tai người mẹ, bà sai người đi nói với Trác Linh A rằng: “Mẹ con chúng ta đã nhiều năm không gặp, lần này con đến một nơi xa như vậy để nhậm chức, coi như chúng ta là hàng xóm của nhau, theo lý thì con cũng nên đến gặp mẹ một lần.”

Người mẹ lo lắng bản thân tuổi tác cao, không đợi được con trai quay lại. Tuy nhiên, hai vợ chồng Trác Linh A phớt lờ lời khẩn nài của mẹ, sáng sớm đã đánh xe khởi hành chuyến đi xa, trước khi đi còn không đến nhìn mẹ mình một lần. Chuyện nhỏ này mà ông ta cũng tuyệt tình, nên chuyện khác có thể không cần suy đoán cũng biết. Kết quả là hai vợ chồng bị sét đánh chết như vậy đó.

Về nguyên nhân cái chết của người lái thuyền, người hầu của Trác Linh A cũng không rõ nguyên nhân. Người bên cạnh biết chuyện nói, khi Trác Linh A ở Bắc Kinh, ông ta nợ 13 chủ nợ hơn 70.000 lượng bạc, họ đều là những người cho vay tiền chuyên nghiệp ở Sơn Tây và Thiểm Tây, họ theo chân Trác Linh A đến tận nơi để đòi nợ. Trác Linh A không có nhiều tiền như vậy để hoàn trả, nên đã khởi niệm sai lệch, âm mưu với vợ, và tìm thấy người lái thuyền tên là Quách Nguyên Lương, người đã bị sét đánh chết, sai hắn đi mua thạch tín và chuẩn bị đầu độc 13 người.

Tuy không phải chủ mưu nhưng Quách Nguyên Lương biết mục đích mua thạch tín là để đầu độc chết người mà vẫn mua, cũng tính là đồng phạm trong vụ án giết người. Mặc dù 3 người họ âm mưu giết người không thành, nhưng ác niệm vừa xuất ra thì Ông Trời đã nhìn thấy rồi.

Một học giả thời nhà Thanh khác là Uông Đạo Đỉnh đã ghi lại rằng có một người nọ ở Giang Tây kiếm sống bằng nghề chăn vịt, cha anh ta tuổi tác đã cao mà còn bị anh ta mắng chửi. Một ngày nọ: “Đột nhiên có một tiếng sấm, thấy anh ta quỳ trong sân, dân làng vội nhìn vào thì thấy áo quần trên người đều bị sấm sét và lửa đốt, thần hồn ngớ ngẩn, chẳng nói chẳng rằng”. Có người tìm thấy một dòng chữ "Chu thư triện văn" dưới đáy nồi trong nhà anh ta, được xác định là bốn chữ “Lôi cảnh bất hiếu” (sét đánh cảnh cáo kẻ bất hiếu). Sau khi anh ta tỉnh dậy đã thay đổi tính cách hoàn toàn, không bao giờ dám bất hiếu với cha già nữa.


Tranh chân dung Lôi Công - tác phẩm đời nhà Minh. (Ảnh: phạm vi công cộng)

Trương Phụng bị sét đánh chết

Trương Phụng là một quan chức địa phương trong thời nhà Thanh (1644-1912), có tài hùng biện và giỏi viết chữ, thông thạo các thủ tục pháp lý, biết rất rõ về thuế đất các hộ nhân khẩu trong phạm vi quyền hạn của mình. Ông ta có thể khiến một người mất hết đất đai chỉ trong phút chốc. Dân chúng không dám than phiền về ông ta. Nếu họ nói ra buổi sáng thì người thu thuế sẽ đến tận cửa nhà họ vào ban đêm.

Trương Phụng đặc biệt giỏi bóc lột người khác. Mỗi khi cấp trên đến thị sát, không mất nhiều thời gian để ông ta làm cho cấp trên hài lòng. Kết quả là, cấp trên luôn nghe theo ông ta, thậm chí ông ta còn chỉ cho cấp trên cách kiếm tiền của người khác. Sau khi lấy được tiền, ông ta sẽ chia cho cấp trên. Vì thế, Trương Phụng rất giàu có.

Quan Tổng đốc sau khi biết chuyện bèn cho người có võ công cao cường đến bắt Trương Phụng. Sau khi những người bắt giữ ông ta từ chối nhận hối lộ, Trương Phụng đã tìm cách trốn thoát. Mặc dù hôm đó trời quang mây tạnh, nhưng một tiếng sấm kinh hoàng vang lên và Trương đã bị sét đánh chết. Mọi người tin rằng Trời trừng phạt Trương Phụng vì những điều xấu mà ông ta đã gây ra.

Bị quả báo sét đánh vì bức hại Pháp Luân Công

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) vào năm 1999, nhiều người Trung Quốc đã tin theo những lời dối trá của chính quyền. Một số còn tích cực tham gia vào cuộc bức hại. Kết cuộc là họ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.


Một số hình ảnh ĐCSTQ đàn áp phi pháp các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: Wikipedia)

Trịnh Hữu Khuê từng là giám đốc Văn phòng Quản lý Toàn diện tại thị trấn Đức Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên. Ông ta rất tích cực trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công và được chính quyền thưởng tiền và thăng chức. Mặc dù nhiều học viên đã khuyên ông ta đừng đi theo ĐCSTQ, nhưng ông ta vẫn không nghe. Một buổi tối ngày 21 tháng 5 năm 2006, Trịnh đang đi dạo với một vài cán bộ làng thì bị một tia sét đánh trúng. Ông ta chết tại chỗ ở độ tuổi 42.

Trần Cảnh Cường, phó giám đốc của Tòa án huyện Khang Bình, tỉnh Liêu Ninh, đã bóp méo sự thật và kết án oan sai cho học viên Pháp Luân Công là Vương Kim Phượng và Lý Hiểu Bình lần lượt 7 và 3 năm tù giam, vào năm 2010. Một tháng sau, ông ta và một cán bộ tòa án khác bị điều tra vì nhận hối lộ từ băng đảng xã hội đen. Lúc đó, vì ông ta đang nằm viện do tai nạn xe hơi, nên tránh được việc bị khởi tố từ vụ án nhận hối lộ. Trần Cảnh Cường chạy quan hệ, cuối cùng bị xử tù ba năm, được hưởng án treo, bị khai trừ công chức. Nhưng người tính không bằng Trời tính, 4 năm sau, vào ngày 15 tháng 8 năm 2014, Trần Cảnh Cường bị sét đánh khi đang đi câu cá và qua đời khi mới 48 tuổi.

Trương Đồng Hưng là giáo viên mỹ thuật ở trường Trung học số 68, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Anh ta tổ chức cho học sinh tham gia vào một phong trào thu thập chữ ký để lăng mạ Pháp Luân Công, còn vẽ một số hình họa tấn công Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Mùa hè năm 2003, Trương gặp cơn giông khi đang đi câu cá. Anh ta đứng dưới gốc cây để tránh mưa. Một tia lửa giáng xuống anh ta và Trương Đồng Hưng bị sét đánh chết với một lỗ thủng trên đầu. Còn cơ thể anh ta thì bị cháy nặng.

Lý Trung Đức, người đứng đầu của Văn phòng Tài chính ở thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông, đã viết một bức thư phỉ báng Pháp Luân Công vào năm 2000. Ông ta tử vong sau khi bị sét đánh khi đang làm việc trên cánh đồng.

Đàm Siêu Quyền, một cựu chiến binh ở tỉnh Quảng Đông, làm việc tại một trung tâm tẩy não dành cho các học viên Pháp Luân Công. Một buổi tối, một cành cây rơi trúng đầu ông ta sau khi bị sét đánh. Đàm Siêu Quyền bị mất trí nhớ và não bị thương tổn vĩnh viễn.

Từ những trường hợp trên có thể thấy “Thần Sấm có mắt, Thần Sét có tai”, đúng là "Ngũ Lôi Sứ giả" thực thi Thiên Pháp, trừng trị kẻ ác!

Cao Nguyên
Theo Epochtimes

Tài liệu tham khảo:

Kí viên kí sở kí

Lí viên tùng thoại

Tọa hoa chí quả

Minghui.org



BÀI CHỌN LỌC

Đằng sau sét đánh thường có nhân quả