Giá dầu tăng cao nhất trong 7 năm qua vì xung đột địa chính trị gia tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang leo thang giữa mùa đông đã trở nên trầm trọng hơn không chỉ vì COVID-19 mà chủ yếu vì xung đột quân sự, địa chính trị gia tăng. Hôm nay, ngày 18/1/2022, thế giới chứng kiến giá dầu thô tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Triển vọng nguồn cung dầu thô bị gián đoạn và thắt chặt gia tăng sau các cuộc tấn công ở khu vực Trung đông. Gia tăng căng thẳng lập tức đẩy giá dầu thô giao dịch trên thế giới tăng.

Dầu thô Brent giao sau tăng 0,88 USD, tương đương 1%, lên 87,36 USD/thùng vào lúc 11:54 GMT, trong khi giá dầu thô Tây Texas Trung cấp (WTI) của Hoa Kỳ tăng 1,23 USD, tương đương 1,5%, lên 85,05 USD/thùng. Giao dịch vào thứ Hai (hôm qua) giảm vì đây là ngày nghỉ lễ của Hoa Kỳ.

Cả hai mức giá này đều đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2014.

Những lo ngại về nguồn cung đã tăng lên trong tuần này sau khi nhóm Houthi của Yemen tấn công Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, làm leo thang sự thù địch giữa nhóm vũ trang có liên kết với Iran với liên minh do Ả Rập Saudi (UAE) dẫn đầu.

Sau khi thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa gây ra vụ nổ cho các xe tải chở nhiên liệu khiến 3 người tử vong, phong trào Houthi cảnh báo họ có thể nhắm mục tiêu vào nhiều căn cứ hơn, trong khi UAE cho biết họ bảo lưu quyền "đáp trả các cuộc tấn công khủng bố này", theo tin từ Reuters.

Thị trường đã phản ứng ngay lập tức ngay sau các vụ tấn công này. Lo ngại nguồn cung bị gián đoạn khiến giá nhiên liệu tăng.

Công ty dầu khí ADNOC của UAE cho biết họ đã kích hoạt các kế hoạch kinh doanh liên tục để đảm bảo việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng trong nước và quốc tế không bị gián đoạn sau sự cố tại kho nhiên liệu Mussafah, Reutes đưa tin.

Giá dầu thô tăng không chỉ vì cuộc tấn công của lực lượng vũ trang có liên hệ với chính quyền Iran và UAE, mà còn bị cộng hưởng bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng ở biên giới Ukraine khi các các cuộc đàm phán Mỹ - Nga đi vào bế tắc.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng đồng nghĩa với việc các nền kinh tế lớn cũng tăng cường dự trữ hàng hoá thiết yếu, trong đó có dầu. Ngoài ra, tương lai bấp bênh về nguồn cung dầu khi Nga là thành viên của OPEC+ cũng thúc đẩy tâm lý lo ngại trên các thị trường giao dịch dầu thô toàn cầu.

Reuters đưa tin, một số nhà sản xuất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang phải vật lộn để bơm dầu ở công suất cho phép của họ, theo một thỏa thuận với Nga và các đồng minh để tăng thêm 400.000 thùng mỗi ngày mỗi tháng.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết họ dự kiến ​​tồn kho dầu ở các nước OECD sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào mùa hè, giá dầu Brent dự báo tăng lên 100 USD vào cuối năm nay.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Giá dầu tăng cao nhất trong 7 năm qua vì xung đột địa chính trị gia tăng