Giữa khủng hoảng lương thực trầm trọng, hàng loạt nhà máy thực phẩm của Mỹ bị cháy nổ. Vì sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi giá cả năng lượng và lương thực, thực phẩm ngày càng leo thang bởi ảnh hưởng từ chiến tranh cùng các lệnh trừng phạt Nga do tiến hành quân sự tại Ukraine, còn có nhiều yếu tố khác góp phần gây ra việc khan hiếm lương thực, và đe dọa nạn đói tiềm tàng. Chưa kể đến từ đầu năm đến nay, hàng chục cơ sở chế biến thực phẩm lớn đã bị cháy nổ trên khắp nước Mỹ.

Ấn Độ gây sốc, G7 lo ngại

Ngày 14/5, Ấn Độ đã bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì với hiệu lực tức thì nhằm ngăn chặn đà leo thang giá bán mặt hàng này trong nước.

Đây có thể nói là một tin gây sốc đối với thế giới khi Ấn Độ là nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu từ khu vực Biển Đen sụt giảm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

Các bộ trưởng Nông nghiệp G7 ngày 14/5 đã chỉ trích quyết định ‘“hạn chế xuất khẩu lúa mì, đóng cửa thị trường, làm nghiêm trọng thêm khủng hoảng và gây hại cho cả Ấn Độ và các nông dân nước này”.

Giữa lúc cuộc khủng hoảng lương thực đang đe dọa đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh đói nghèo, thì tại Mỹ đã xảy ra hàng loạt các vụ cháy trong suốt vài tháng qua.

Giá lương thực thế giới tháng 9 tăng tháng thứ tư liên tiếp. (Ảnh: pixnio)
Giá lương thực thế giới đang tăng cao chóng mặt. (Ảnh: pixnio)

FBI cảnh báo

Ngày 20/4, Bộ phận Không gian mạng của FBI đã cảnh báo về các mối đe dọa tấn công mạng ngày càng gia tăng đối với các cơ sở sản xuất nông nghiệp, trùng với thời điểm một loạt các vụ hỏa hoạn đã xảy ra trong vài tháng qua đã phá hủy cơ sở vật chất của gần 20 cơ sở chế biến thực phẩm lớn ở Mỹ, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.

FBI cảnh báo những “mã độc có thể tấn công các cơ sở nông nghiệp trong các vụ mùa gieo trồng và thu hoạch quan trọng, làm gián đoạn hoạt động, gây tổn thất tài chính và tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng thực phẩm".

Cảnh báo của FBI được đưa ra khi “gần hai chục cơ sở chế biến thực phẩm trên khắp Canada và Mỹ” đã trải qua một chuỗi hỏa hoạn được liệt kê dưới đây theo Westernstandard:

  • Ngày 21/4 một chiếc máy bay nhỏ bị rơi ngay sau khi cất cánh đâm vào một nhà máy của General Mills ở Georgia ( New York Post).
  • Ngày 18/4, một trận hỏa hoạn lớn đã phá hủy một phần Trụ sở Azure Standard ở Oregon, một công ty tự nhận là “nhà phân phối thực phẩm độc lập lớn nhất nước Mỹ”. (Visiontimes)
  • Ngày 18/4, một chiếc máy bay đã đâm vào nhà máy Chế biến Đá quý của Idaho. Trang web của công ty giới thiệu cơ sở này đang chế biến khoảng 18.000 mẫu khoai tây mỗi năm. (Daily Mail)
  • Ngày 13/4, nhà máy chế biến thực phẩm Taylor Farms ở California bị cháy rụi. Đây là công ty lớn thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm cho cả Canada và Mỹ.
  • Ngày 11/4, một đám cháy lớn đã thiêu rụi nhà máy chế biến thịt ở East Conway Beef and Pork, New Hampshire. Đội cứu hỏa phải mất 16 giờ mới dập tắt được ngọn lửa.
  • Ngày 31/3, một cơ sở chế biến hành tây củ Rio Fresh ở Texas đã xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng. Trước khi bị cháy, Rio Fresh chuyên đóng gói và vận chuyển nhiều loại mặt hàng được trồng ở Texas bao gồm hành ngọt, dưa, rau xanh, bắp cải và cải xoăn.
  • Ngày 28/3, hỏa hoạn lớn đã thiêu trụi Maricopa Food Pantry ở Arizona, nơi phân phối thực phẩm cho những người kém may mắn. 15.000 pound thịt, 40.000 pound hàng đóng hộp cùng “các mặt hàng khác” trị giá 50.000 bảng Anh đã bị thiêu rụi trong suốt 24 giờ.
  • Ngày 25/3, lửa đã bùng lên tại cơ sở chế biến khoai tây Penobscot McCrum ở Belfast
  • Ngày 22/3, nhà máy sản xuất khoai tây chiên Shearer's Foods ở Hermiston (Oregon) bị thiêu rụi hoàn toàn sau vụ nổ lò hơi và hỏa hoạn. (Tri-City Herald)
  • Ngày 17/3, vụ hỏa hoạn lớn buộc nhà máy Nestle chuyên sản xuất thực phẩm đông lạnh ở Arkansas buộc phải đóng cửa.. (Arktimes)
  • Ngày 16/3, một đám cháy lớn đã thiêu rụi phần lớn trung tâm phân phối của Walmart ở Plainfield (Indiana). Ngọn lửa đã phá hủy chuỗi cung ứng rộng 1 triệu foot vuông. Vụ việc nghiêm trọng đến mức khiến ATF (Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ của Mỹ) phải vào cuộc điều tra. (WTHR)

Thực tế là từ tháng giêng cho đến nay, đã có nhiều vụ cháy nổ diễn ra tại các trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm trên khắp nước Mỹ.

Trang Factcheck cho biết, số liệu về số vụ cháy tại các nhà máy chế biến thực phẩm tại Mỹ trong năm 2022 “không cho thấy điều gì bất thường”. Trang này bác bỏ “những tin đồn vô căn cứ từ các chuyên gia bảo thủ cho thấy sự bùng phát của “đám cháy bí ẩn” có thể là một phần của kế hoạch làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm”.

Tuy nhiên thực tế lại cho thấy có một sự gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung thực phẩm. Với hàng loạt các vụ cháy xảy ra tại các nhà máy chế biến thực phẩm, cùng với việc FBI cảnh báo sắp có các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở nông nghiệp và chuỗi cung ứng…, tất cả đều xảy ra vào thời điểm tình trạng thiếu lương thực đang ảnh hưởng nặng nề đến Mỹ, châu Âu và thế giới.

Thêm nữa, dịch cúm gia cầm tấn công đàn gà từ Mỹ tới châu Âu, cảng Thượng Hải của Trung Quốc, cảng Biển Đen tiếp tục đóng cửa đã làm cho mọi khâu thuộc chuỗi cung ứng trở nên tồi tệ hơn.

Các container được nhìn thấy tại cảng nước sâu Dương Sơn, Thượng Hải vào ngày 9/4/2018.
Hiện tại, châu Á là nguồn cung cấp hàng hóa lớn nhất cho thế giới, trong đó phải kể đến Trung Quốc, nơi chiếm đến 7 trong số 10 cảng container lớn nhất thế giới. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Tất cả những điều này khiến giá thực phẩm tiếp tục tăng và không có khả năng giảm giá. Các ngân hàng thực phẩm và các kệ hàng tại Mỹ và châu Âu bắt đầu trống hơn khi nguồn cung cấp cạn dần và chi phí tăng cao.

Cho dù truyền thông dòng chính tiếp tục đổ lỗi cho việc Nga "xâm lược" Ukraine gây ra tình trạng thiếu lương thực thực phẩm, tuy nhiên bất cứ ai quan tâm đều có thể thấy điều này đã xảy ra trước đó rất lâu. Theo New York Times, các tác động toàn cầu như gián đoạn chuỗi cung ứng, thời tiết khắc nghiệt, chi phí năng lượng và việc Nga tấn công Ukraine đã góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lo sợ, và đẩy chính quyền của Tổng thống Biden vào thế phòng thủ. (New York Times)

Kinh tế Mỹ đã chìm trong lạm phát đình trệ hai quý liên tiếp
Người dân mua sắm trong một cửa hàng ở Brooklyn vào ngày 10/03/2022 tại thành phố New York. Giá xăng, thực phẩm, ô tô và các mặt hàng khác tại thời điểm đó đã lên mức cao nhất trong 40 năm do lạm phát tiếp tục tăng cao ở Mỹ. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Tuyên bố ‘ngẫu nhiên’: Khủng hoảng lương thực là do Nga?

Giá thực phẩm trên thế giới đang ở mức cao kỷ lục và ngay cả Chủ tịch Quỹ Rockefeller Rajiv Shah cũng tuyên bố rằng, một “cuộc khủng hoảng lương thực lớn, tức thời” đang sắp xảy ra ở các quốc gia nghèo hơn sau khi Nga xâm lược Ukraine”.

Ngày 22/4, Rajiv Shah cho biết sự gián đoạn nguồn cung phân bón toàn cầu do Nga xâm lược Ukraine sẽ có tác động "thậm chí còn tồi tệ hơn" đối với cuộc khủng hoảng lương thực. (Bloomberg)

Trong khi ấy, ngày 8/5 Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức Svenja Schulze cũng phát biểu có phần tương đồng khi cảnh báo về “một nạn đói chưa từng thấy kể từ Thế chiến II” với “hơn 300 triệu người”. Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 và do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. (Theprint)

Ngày 12/5, quan chức của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Jon Dumont cũng cho biết, hàng tấn thực phẩm bị mắc kẹt ở cảng Odessa (Ukraine), và một nửa nhu cầu lúa mì của WFP đang bị mắc kẹt bên trong các tàu bị chặn ở biển Đen.

Trong tuyên bố ngày 6/5 , WFP đã cảnh báo rằng "44 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói” vì ngũ cốc của Ukraine không thể đến được tay người tiêu dùng.

Ngày 21/4, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với một "thảm họa con người" từ cuộc khủng hoảng lương thực do chiến sự tại Ukraine. Đầu tháng 4, Liên Hợp Quốc cũng cho biết cuộc chiến Ukraine đã gây ra "bước nhảy vọt khổng lồ" về giá lương thực.

Ngày 12/4 phát biểu ở bang Iowa, Tổng thống Joe Biden tái khẳng định "chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine làm tăng giá xăng và thực phẩm khắp thế giới".

Tổng thống Joe Biden phát biểu về an ninh và tình trạng căng thẳng ở Ukraine trong chuyến thăm cơ sở của Tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martins Pike ở Troy, Ala., vào ngày 3/5/2022. (Ảnh: Nicholas Kamm/Getty Images )

Tất cả những phát biểu trên đều có một điểm chung gì? Đó chính là mọi khủng hoảng lương thực hay rộng hơn là năng lượng đều bắt nguồn từ việc Nga ‘xâm lược’ Ukraine.

Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận là, giá tiêu dùng tăng cao đã phủ bóng nền kinh tế Mỹ trong nhiều tháng, từ trước cả khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2. Giá điện ở Mỹ tăng 32% trong năm qua, còn giá lương thực tăng khoảng 8,8% và cũng là mức tăng mạnh nhất từ tháng 5/1981.

Cũng vậy, Chủ tịch Quỹ Rockefeller Rajiv Shah hay Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức Svenja Schulze cùng chung hàm ý là, nước Nga của Putin là nguyên nhân gây ra lạm phát lương thực, mặc dù phớt lờ giá cả đã tăng ở châu Âu từ rất lâu trước khi Nga tấn công Ukraine.

Bà Svenja Schulze tuyên bố rằng, bằng cách nào đó Nga đã “đánh cắp ngũ cốc từ Ukraine”, và vì Putin chỉ muốn giao dịch với các nước “thân thiện” với Nga, nên nhiều nước không thân thiện (chủ yếu là các nước NATO) không đủ điều kiện xuất khẩu lương thực và phân bón. Tuy nhiên cần lưu ý là, chính sách trả đũa này của Putin được đưa ra sau khi EU và NATO áp đặt hàng loạt các lệnh trừng phạt Nga, và sau khi nhiều tập đoàn đa quốc gia phương Tây quyết định ngừng kinh doanh tại Nga.

Chính các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất nhằm vào Nga của Mỹ và châu Âu, đã góp phần càng đẩy giá cả lạm phát và khủng hoảng lương thực, năng lượng trên thế giới ngày càng tồi tệ hơn nữa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp về các vấn đề kinh tế tại Moscow, vào ngày 17/2/2022. (Ảnh Getty Images)

Theo Blaze, Samantha Power - Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cho rằng tình trạng thiếu lương thực và phân bón "thảm khốc" do Nga xâm lược Ukraine là cơ hội tuyệt vời để thực hiện các chính sách cánh tả. Bà Samantha Power đã đưa ra hướng giải quyết sự thiếu hụt này bằng cách tận dụng khủng hoảng để lựa chọn các giải pháp thay thế năng lượng xanh cho phân bón, khi cho biết:

"Tình trạng thiếu phân bón là có thật vì Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn. Mặc dù phân bón không bị trừng phạt, nhưng lượng phân bón ra xuất khỏi Nga ngày càng ít. Do đó, chúng tôi đang làm việc với các nước để suy nghĩ về các giải pháp tự nhiên như phân chuồng và phân trộn".

Samantha Power kết luận: “Vì vậy, đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng trở nên lãng phí”.

Câu hỏi đặt ra là: Vậy phải chăng có ai đó đang ‘tận dụng’ cuộc khủng hoảng tại Ukraine và thậm chí còn làm cho khủng hoảng ngày càng trở nên tồi tệ hơn? Liệu nó có phù hợp với mục tiêu của Cuộc Tái lập vĩ đại của giới tinh hoa toàn cầu, mà Biến đổi khí hậu là một trong số đó.

Chiến tranh là cách tốt nhất “thúc đẩy” khủng hoảng lương thực?

Có quá nhiều câu hỏi cần đặt ra là: Vì sao trong khi Nga luôn coi việc Ukraine gia nhập NATO là "lằn ranh đỏ", thì NATO vẫn hoàn phớt lờ lo ngại của Nga để tiếp tục mở rộng về phía đông? Điều này chẳng khác gì NATO khiêu khích trước cửa ngõ của Nga và kích động Putin gây chiến.

Việc Nga đem quân tấn công một nước chủ quyền như Ukraine xét về mặt công ước quốc tế là hoàn toàn sai, bất kể nước này biện hộ bằng lý do nào đi nữa. Tuy nhiên, việc Mỹ và NATO tiếp tục gửi thêm khí tài hạng nặng cho Ukraine và việc một bộ trưởng của Anh công khai ‘khuyến khích’ chính quyền Kiev tấn công vào các cơ sở nội địa của Nga cho thấy, phương Tây có một chỉ dấu chiến lược bài bản và quyết làm suy yếu Nga bằng mọi giá. Thực tế là giới tinh hoa phương Tây đang thổi bùng thêm xung đột tại Ukraine chứ không phải ngăn chặn, chấm dứt chiến tranh bằng mọi cách.

Khói bốc lên từ khuôn viên của nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, Ukraine, vào ngày 29/4/2022, trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. (Ảnh: Andrey Borodulin / Getty Images)

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine không phải là điều bất ngờ khi trước đó 1 năm, chính quyền Joe Biden đã không có bất cứ động thái ngăn chặn những "tín hiệu" mà Putin đã cảnh báo. Ngày 31/3/2021, quân đội Mỹ đã từng nâng cao mức độ nhận thức về một “cuộc khủng hoảng tiềm tàng sắp xảy ra", với ước tính hơn 100.000 quân Nga đã được bố trí dọc biên giới Ukraine và tại bán đảo Crimea.(CSIS)

Hiển nhiên sự tàn khốc của chiến sự tại Ukraine đã khiến thế giới bước vào một chuỗi khủng hoảng, và một bức tranh lớn hơn bắt đầu xuất hiện:

  1. Chiến sự Nga-Ukraine góp phần càng làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu các hàng hóa thiết yếu, trong đó làm giảm ⅓ sản lượng ngũ cốc và 25% sản lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới.
  2. Các lệnh trừng phạt Nga đã khiến giá dầu thế giới tăng lên chóng mặt, khiến chi phí trồng trọt và vận chuyển ngũ cốc tăng cao, dẫn đến việc giá lương thực tăng cao 40%.
  3. Các lệnh trừng phạt Nga cũng gây ra tình trạng thiếu phân bón trên thế giới, làm giảm thêm sản lượng ngũ cốc của các nước liên quan phụ thuộc vào phân bón của Nga.
  4. Châu Âu đang tìm kiếm sự đồng thuận để cấm vận dầu Nga bất chấp lục địa này buộc phải hy sinh phát triển kinh tế. Đổi lại, EU sẽ tăng cường sản xuất nhiên liệu sinh học phù hợp với chính sách năng lượng Xanh của cánh tả, đồng nghĩa gần 600 triệu tấn ngũ cốc trước đó đã được biến thành xăng ethanol. Chính điều này đã góp phần làm sản lượng lương thực ngày càng suy giảm và khan hiếm.

Sự trở về với nông nghiệp tự nhiên sẽ giải thoát con người ra khỏi sự lệ thuộc vào các sản phẩm hóa chất

Thế giới đang lâm vào tình cảnh thiếu phân bón cho sản xuất nông nghiệp làm gia tăng cảnh báo về khủng hoảng giá lương thực và nạn đói toàn cầu. (Ảnh: Shutterstock)

Chấm dứt phụ thuộc vào Nga, tiến tới năng lượng “xanh”?

Châu Âu đang thúc một chiến lược Xanh bằng mọi giá và bắt đầu quá trình chuyển đổi càng nhanh càng tốt. Theo một cách nào đó, lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga là một giải pháp cho thấy châu Âu đang tiến tới loại bỏ dần tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch (than, dầu và khí đốt) vào năm 2050, thay thế bằng năng lượng tái tạo, trong đó có nhiên liệu sinh học.

Theo các nhà hoạch định tại Mỹ và châu Âu, trong trung và dài hạn, các công nghệ và nguyên liệu thô quen thuộc có thể thay thế “vàng đen” của Nga. Đối với giới tinh hoa, phải chăng chiến sự tại Ukraine là “cơ hội” để đẩy nhanh chương trình nghị sự chấm dứt nhiên liệu hóa thạch?

EU hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tái tạo, bao gồm cả năng lượng gió (Nguồn ảnh: Getty)

Ông Jean-Benoît Schrans, người phát ngôn của Liên đoàn ngành dầu mỏ Bỉ (Energia) cho biết, vào năm 2030, 7/10 xe ô tô sẽ vẫn có động cơ nhiệt và cần khử cacbon cho chúng. Do đó, Liên đoàn dầu mỏ Bỉ kiên quyết yêu cầu chính phủ nước này ưu đãi thuế đối với nhiên liệu sinh học thế hệ mới.

Hiện nay, xăng và dầu diesel chứa khoảng 10% nhiên liệu sinh học “thế hệ thứ nhất”, vốn đang bị chỉ trích rộng rãi vì góp phần vào nạn phá rừng và cạnh tranh với sản xuất lương thực. Trong hai thập kỷ qua, giá lương thực thế giới luôn tăng cao, các tổ chức nhân đạo đã lên tiếng phản đối việc sử dụng lương thực để sản xuất ethanol khiến lương thực trở nên khan hiếm. Nhiều quốc gia bị nạn đói đe dọa, phải nhập khẩu lương thực càng chịu nhiều khó khăn hơn.

Theo orfonline, nhiên liệu sinh học (biofuel) là các loại nhiên liệu dạng lỏng và khí được tạo ra một cách “tự nhiên” thông qua chuyển đổi một số loại sinh vật. Ethanol và biodiesel là hai loại nhiên liệu sinh học thay thế chính đang được dùng phổ biến. Hiện xăng pha ethanol có tên E85 với lượng ethanol chiếm từ 51 – 83%. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, khoảng 98% lượng xăng bạn bơm vào xe cộ của mình có chứa một tỉ lệ ethanol.

Nhiên liệu sinh học thế hệ thứ nhất (1G) thường được sản xuất từ ​​nguyên liệu thô ăn được. Sản xuất ethanol chủ yếu liên quan đến việc chưng cất carbohydrate từ mía và củ cải đường, hoặc chưng cất tinh bột từ các loại ngũ cốc như ngô, lúa, lúa mì và khoai tây thông qua quá trình lên men.

Dầu diesel sinh học thế hệ thứ nhất được sản xuất từ ​​các loại dầu thực vật khác nhau như dầu hạt cải, dầu cọ, dầu đậu nành và dầu hướng dương.

Đòn trừng phạt kinh tế lên Nga nếu Moscow xâm lược Ukraine, những biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt lên Nga cũng sẽ làm tổn thương Mỹ và châu Âu

Công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Lubmin, đông bắc nước Đức, vào ngày 26/3/2019. (Ảnh: TOBIAS SCHWARZ / AFP qua Getty Images)Ở Brazil, etanol sản xuất chủ yếu từ ​​mía, chiếm 95% tổng sản lượng và dầu diesel sinh học được sản xuất chủ yếu từ dầu đậu nành. Trong khi ấy Mỹ hiện sử dụng tới 40% sản lượng ngô của cả nước để sản xuất etanol. Đối với dầu diesel sinh học, Mỹ sử dụng một hỗn hợp nguyên liệu đa dạng hơn gồm dầu đậu nành và các loại dầu/mỡ phế thải khác, chiếm 46% tổng sản lượng.

Với mục đích ‘bảo vệ môi trường’ chống Biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã thực hiện các chính sách nhiên liệu sinh học chuyên dụng với các nhiệm vụ pha trộn có thời hạn như:

  • Chương trình RenovaBio của Brazil là một trong những chương trình tham vọng nhất, đã dẫn đến tỷ lệ pha trộn ethanol lên tới là 27%.
  • EU và Trung Quốc cũng đều đưa ra lộ trình để đạt được tỷ lệ pha trộn ethanol 10%.
  • Tại Mỹ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đặt ra các nhiệm vụ sản xuất đối với nhiên liệu sinh học. Vì vậy sản xuất ethanol và diesel sinh học tăng đều đặn từ năm 2010 đến năm 2019, đạt đỉnh khoảng 110 tỷ lít trong giai đoạn 2018-2019.
  • Ấn Độ tuyên bố tỷ lệ pha trộn ethanol là 8,1% (2021)

Nhưng việc phát triển nhiên liệu sinh học cũng đồng nghĩa với việc tăng sức ép lên thị trường lương thực. Chỉ riêng lượng ngô dành cho sản xuất ethanol của Mỹ đã tương đương hơn một nửa nhu cầu ngũ cốc của thế giới.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, việc đổ xô vào sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ đẩy giá ngô tăng lên 20% năm 2010 và tăng 41% vào năm 2020. Viện Chính sách nghiên cứu lương thực thế giới đưa ra con số còn báo động hơn: Đó là sự chuyển hướng toàn cầu sang nhu cầu sinh học có thể đẩy giá lương thực tăng thêm 80%.

Các cường quốc về nhiên liệu sinh học đều có lý do để bảo vệ chương trình năng lượng của mình, nhưng có một con số so sánh không thể bỏ qua là lượng lương thực để sản xuất lượng nhiên liệu dùng cho một chiếc xe ôtô, tương đương với lượng lương thực đủ nuôi sống một người trong vòng một năm.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã diễn ra từ hai thập kỷ nay chứ không đợi đến khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, việc Nga tiến hành quân sự tại Ukraine càng thúc đẩy sự khan hiếm lương thực lên tầng cao mới.

Câu hỏi đặt ra là: Nếu NATO không khăng khăng mở rộng ra phía Đông và hứa hẹn kết nạp Ukraine, liệu Nga có cớ xâm lược Ukraine?

Và ai đang đạt được mục tiêu hủy bỏ năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, khi Nga-Ukraine xảy ra chiến tranh - nơi là vựa lúa mì và sản xuất lương thực, phân bón hàng thế giới?

Và khi khủng hoảng lương thực xảy ra, ai sẽ là người được hưởng lợi và tất nhiên đa số “dân thường” chúng ta đều là nạn nhân của cuộc chiến Ukraine.

Khi độc lập khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi sản xuất và phân phối thực phẩm, một khu vực có thể đảm bảo an toàn lương thực cho chính mình.
Khi độc lập khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi sản xuất và phân phối thực phẩm, một khu vực có thể đảm bảo an toàn lương thực cho chính mình. (Pxfuel)

Việc gây ra sự khan hiếm lương thực cũng được coi là một thứ vũ khí có tính ‘sát thương’ khá mạnh.

Kênh truyền thông dòng chính nổi tiếng của Mỹ là NPR cũng đã từng đề cập đến những đám cháy mùa màng đã thiêu rụi hơn 111.000 mẫu cây trồng ở đông bắc Syria và gần 1/3 diện tích đất nông nghiệp ở tây bắc Syria, như là một thứ “vũ khí chiến tranh đời mới”.

Trong khi ấy, dù chỉ chiếm ít hơn 20% dân số thế giới, nhưng Trung Quốc đã vơ vét, dự trữ hơn một nửa lượng ngô và các loại ngũ cốc khác trên toàn cầu trong những năm gần đây. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chiếm 69% dự trữ ngô toàn cầu trong nửa đầu niên vụ 2022, 60% gạo và 51% lúa mì. Tình trạng tích trữ này, cùng với với chiến sự tại Ukraine càng khiến giá lương thực toàn cầu leo thang, gây khan hiếm và rối loạn phân phối. Nhiều nước nghèo vì thế sẽ gặp nguy cơ thiếu lương thực và đương đầu với nạn đói.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của ntdvn.net

Đông Bắc



BÀI CHỌN LỌC

Giữa khủng hoảng lương thực trầm trọng, hàng loạt nhà máy thực phẩm của Mỹ bị cháy nổ. Vì sao?