J-20 của Trung Quốc có thực sự là chiến cơ tàng hình tiên tiến nhất?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiến cơ “J-20” được Trung Quốc tung hô là “chiến cơ tàng hình tiên tiến nhất”. Tuy nhiên, một bài viết trên trang web "Khoa học và Công nghệ" của Nga lại kết luận rằng: "Trước khi vấn đề động cơ máy bay được giải quyết, tất cả những mô tả về ưu điểm của J-20 trông giống như một chiến lược tiếp thị, hay nói ngắn gọn thì là đang khoác lác".

Máy bay chiến đấu F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Công ty Lockheed Martin của Mỹ là những máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đã phục vụ quân đội Mỹ trong nhiều năm. Công nghệ và tính năng của chúng được công nhận trên toàn cầu.

Tính năng "4S" của chúng đã trở thành tiêu chuẩn đầu vào cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, bao gồm: tàng hình, tấn công ngoài tầm nhìn, siêu cơ động và tốc độ siêu thanh. Tuy nhiên, nếu dùng tiêu chuẩn này để đánh giá máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 "J-20" mà Trung Quốc khoe khoang, có lẽ Bắc Kinh sẽ không thể đáp xuống Đài Loan.

Làm sao có thể coi "J-20" là thế hệ thứ 5 nếu nó chậm chạp?

Có thể đạt được tốc độ siêu âm mà không cần dùng thêm buồng đốt phụ, đây là cấu hình tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin vào ngày 20/10 năm nay, "J-20" hiện tại không được trang bị động cơ có khả năng đạt tốc độ siêu thanh, không thể đáp ứng yêu cầu đầu vào của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Ngoài ra, "J-20" cũng thua kém F-22A về khả năng cơ động cao và nhanh nhẹn.

F-22 của Lockheed Martin. (Robert Sullivan/Phạm vi công cộng)
F-22 của Lockheed Martin. (Robert Sullivan/Phạm vi công cộng)

Trong 10 năm kể từ khi "J-20" lần đầu cất cánh cho tới nay, động cơ lắp cho "J-20" luôn là động cơ AL-31 của Nga. AL-31 không chỉ có lực đẩy nhỏ hơn nhiều so với động cơ Pratt & Whitney F119-PW-100 của chiến cơ F-22A, mà còn không có lực đẩy vector.

Nga không muốn bán những động cơ tốt nhất cho Bắc Kinh, vì vậy Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bất đắc dĩ phải tự thiết kế và sản xuất. Theo thiết kế, động cơ hỗ trợ "J-20" là loại động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt “WS-15 Emei” do nước này tự sản xuất và có khả năng tạo lực đẩy tương đương với động cơ Pratt & Whitney của Hoa Kỳ. Nó cũng được thiết kế bộ phần điều chỉnh hướng phụt, có thể chỉnh theo chiều lên - xuống hoặc trái - phải (động cơ đẩy vector 3D) để nâng cao tính cơ động và nhanh nhẹn khi đánh lái tức thời. Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo, vẫn rất khó để tích hợp thiết kế trên vào động cơ "WS-15" và vượt qua thử nghiệm.

Nguồn tin quân sự trong ĐCSTQ tiết lộ rằng, động cơ “WS-15 Emei” được chế tạo riêng cho "J-20" đã thất bại trong bài kiểm tra về độ đáng tin cậy, nhưng không rõ lý do. Do đó, trong số các máy bay J-20 được xuất xưởng hiện nay, không một chiếc nào được trang bị động cơ phản lực cánh quạt WS-15 sản xuất nội địa, thậm chí "WS-15" cũng không được lắp trên máy bay bay thử nghiệm.

Ông Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu "RAND Corporation" của Mỹ, chỉ ra rằng công nghệ cao cấp để sản xuất động cơ phản lực rất phức tạp và rất khó làm chủ. Ông Heath giải thích rằng, khó khăn chính trong việc chế tạo động cơ phản lực nằm ở khâu luyện kim và gia công. Chưa nói đến động cơ quân dụng, chỉ riêng động cơ dân dụng như của Boeing 747 đã phải vượt qua hàng nghìn giờ thử nghiệm, với yêu cầu cánh quạt quay 3.000 lần / phút ở nhiệt độ 1.370 độ C.

"J-20" bị radar của tiêm kích Ấn Độ quét trúng

Ngoài vấn đề tốc độ, điều quan trọng hơn là khả năng tàng hình của J-20. Tiến sĩ Michael Pelosi và Tiến sĩ Carlo Kopp của tổ chức tư vấn "Lực lượng Không quân Úc" (Air Power Australia) đã sử dụng radar trong phòng thí nghiệm để kiểm tra khả năng tàng hình của mô hình "J-20", và kết luận rằng khả năng tàng hình ở nửa đầu của "J-20" rất tốt, nhưng khả năng tàng hình ở phần đuôi kém.

Vào ngày 19/5/2018, truyền thông Nga đưa tin rằng "chiến cơ tàng hình tiên tiến nhất" ‘J-20’ của ĐCSTQ đã dễ dàng bị radar của máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ tóm được trong quá trình huấn luyện ở Tây Tạng. Đánh giá của quân đội Mỹ về điều này là, "J-20" chỉ có khả năng tàng hình sơ cấp. Hồi tháng 10 năm nay, truyền thông Trung Quốc cũng nói rằng khả năng tàng hình của "J-20" vẫn không bằng F-22A của Mỹ.

Vì vậy, Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô, công ty con thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), đang nâng cấp chiến cơ tàng hình "J-20" để cạnh tranh với chiến cơ F-22 Raptor của Không quân Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin hồi tháng 10 rằng, sau khi "J-20" được nâng cấp, nó có thể mang và phóng vũ khí trong khi được triển khai ở cấu hình tàng hình hoặc hỗn hợp vũ khí trong các khoang và bên ngoài, nhưng sẽ rất khó khăn nếu muốn nâng cấp "J-20" lên trình độ có thể đối chọi với F-22 Raptor. Bởi vì Lockheed Martin đã nâng cấp phần mềm của F-22s Raptor trong những năm gần đây, do đó cải thiện đáng kể phạm vi bay, mức độ ngắm trúng mục tiêu và độ bền của một số loại vũ khí không đối không chủ yếu. Sau khi nâng cấp, vũ khí có thể thay đổi hướng trong quá trình bay và có thể tấn công mục tiêu ở cạnh sườn hoặc phía sau của F-22s Raptor sau khi được phóng đi.

Trang mạng National Interest đã chỉ ra trong tháng này rằng, do giữa "J-20" và F-22 Raptor có một khoảng cách lớn trên phương diện cự ly bắn và hệ thống dẫn đường, nên sau khi được nâng cấp tính năng tàng hình, xác suất máy bay chiến đấu "J-20" bị F-22 đánh bại vẫn còn rất cao.

Việc so sánh dữ liệu các tính năng nói trên chỉ có thể được coi là lý luận trên giấy. Kết quả thực chiến thế nào thì vẫn còn cần kiểm nghiệm. Cho đến nay, F-22, F-35 của Mỹ và Su-57 của Nga đều đã kinh qua trận mạc, còn "J-20" mới chỉ xuất hiện tại triển lãm hàng không.

Bài viết trên trang web "Khoa học và Công nghệ" của Nga kết luận: "Trước khi vấn đề động cơ được giải quyết, tất cả những mô tả về ưu điểm của J-20 trông giống như một chiến lược tiếp thị, hay nói ngắn gọn thì là đang khoác lác".

Đông Phương

Theo Qua Ngự Thi - Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

J-20 của Trung Quốc có thực sự là chiến cơ tàng hình tiên tiến nhất?