Loãng xương nguy hiểm như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xương của con người cũng giống như xà hay cột trụ của ngôi nhà. Khi xà, cột bị nứt, hư hỏng, thì nhà sẽ bị sập một nửa hoặc hoàn toàn. Do đó, nếu một người bị loãng xương, thì hậu quả cũng ghê rợn không kém.

Bệnh loãng xương được mệnh danh là “sát thủ vô hình”, người bệnh luôn bị mất xương từng chút một mà không hề hay biết. Chỉ khi họ đến bệnh viện sau khi gãy xương, mới biết xương đã bị tổn hao nghiêm trọng và không thể phục hồi được.

Do đó, nếu bạn bị đau nhức không rõ nguyên nhân, thắt lưng không chịu được khi đi lại thì đừng chỉ đổ lỗi cho tuổi già, rất có thể bệnh loãng xương đã xảy ra ở phần thân trên.

Loãng xương là tình trạng giảm chất lượng xương, cấu trúc xương bên trong bị rỗng, sinh ra nhiều lỗ và hình thành hiện tượng rỗng ruột. Lúc này, xương trở nên mỏng manh và dễ gãy.

Đến một độ tuổi nhất định, khi bạn nhận thấy chiều cao cơ thể dần thấp xuống, lưng gù hơn, bệnh nha chu cũng xuất hiện, cổ tay dễ bong gân hoặc thậm chí gãy xương; đồng thời nếu bạn thường xuyên cảm thấy đau lưng, thì đây đều là dấu hiệu cảnh báo của bệnh loãng xương.

Có nhiều loại loãng xương, trong đó phổ biến nhất là loãng xương sau mãn kinh và loãng xương do tuổi già; những loại khác như cường cận giáp, bệnh gan, bệnh thận, cắt vòi trứng, viêm khớp dạng thấp, kém hấp thu đường ruột, dùng steroid… cũng có thể gây loãng xương và loãng xương thứ phát.

Phương pháp điều trị chung của Tây y thường là bổ sung nội tiết tố, canxi, vitamin D, calcistatin, bisphosphonates, v.v.

Bệnh loãng xương cũng tương tự như bệnh “teo xương” trong y học cổ truyền Trung Hoa. Về phương pháp điều trị thì theo nguyên lý “thận sinh tinh, sinh tủy”, đa phần đều tập trung vào việc bổ thận tráng dương.

Tuy nhiên, do “can thận đồng nguyên”, nên khi thận hư cũng kèm theo tổn thương gan, thậm chí có vấn đề về thiếu máu. Các loại lâm sàng phổ biến nhất như sau:

  • Thận dương suy kém: nước da nhợt nhạt, đau thắt lưng và đầu gối, chân tay đau nhức, sợ lạnh, thiếu sinh lực, tiểu lâu là những triệu chứng điển hình, phần lớn bệnh nhân này bị suy giảm chuyển hóa.
  • Thiếu âm gan thận: chóng mặt, ù tai, đau mỏi thắt lưng và đầu gối, cứng khớp, nóng sốt lòng bàn tay chân, khô họng, mất ngủ, hay mơ màng và các chứng khó chịu khác. Loại này phần lớn là bệnh nhân nữ bị loãng xương sau mãn kinh. Sử dụng Lục Vị Địa Hoàng Hoàn hoặc Tả Quy Hoàn để nuôi dưỡng gan và thận, tăng cường xương và cơ bắp.
  • Thiếu khí và huyết: Móng tay nhợt nhạt, chân tay đau nhức, hồi hộp, mất ngủ, thể lực kém, ra mồ hôi trộm sau khi hoạt động ít, đa số thuộc về người già, người già yếu, suy dinh dưỡng, có thể dùng Bát Trân Thang để bổ sung khí huyết.
  • Tỳ vị suy yếu: Ngoài da xanh xao, mệt mỏi, đau nhức vùng thắt lưng, chân tay đau nhức, còn có rối loạn chức năng tiêu hóa như chán ăn, chướng bụng, tiêu chảy. Tình trạng này còn xảy ra ở những người có thói quen ăn uống thiếu cân bằng. Nói chung, bệnh nhân có thể sử dụng Sâm Linh Bạch Truật Tán để tăng cường lá lách và dạ dày, đồng thời cải thiện sự hấp thụ canxi và chất dinh dưỡng.

Việc phòng chống loãng xương phải bắt đầu từ nhỏ, nếu bạn chú ý bổ sung canxi và vận động hợp lý trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển, thì bạn có thể tích trữ được nhiều “xương” hơn, để nó không bị cạn kiệt và suy yếu khi về già.

Thực phẩm giàu canxi bao gồm cá khô nhỏ, tôm khô, trai, tảo bẹ, sữa hoặc các sản phẩm từ sữa, hạt vừng, thực phẩm từ đậu nành và các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn; thực phẩm giàu vitamin D, chẳng hạn như kem, sữa, trứng, cá, gan, v.v. cũng có lợi cho sức khỏe của xương; phơi nắng vừa phải cũng rất hữu ích, có tác dụng bổ sung lượng canxi và vitamin D thích hợp.

Bạn cũng nên tập luyện nhiều hơn, nhưng vận động phải đúng và phù hợp, nghĩa là các bài tập phải có sức nặng, đồng thời có thể tác động lên cơ và xương như: đi bộ, bơi lội, chạy bộ, đạp xe, chèo thuyền, v.v.

Y học cổ truyền Trung Hoa cho rằng thận và tủy có quan hệ mật thiết với nhau, nên nếu một người không tiết chế trong đời sống tình dục, lao động quá sức cũng sẽ làm hao tổn tinh khí của thận, dễ sinh ra bệnh loãng xương.

Hơn nữa, bệnh nhân loãng xương sợ nhất là gãy xương, vì vậy việc ngăn ngừa té ngã và duy trì chất lượng xương cũng quan trọng không kém.

Tác giả Ye Huichang, là phó giáo sư Đại học Y Trung Quốc và là giám đốc Phòng khám Y học Cổ truyền Trung Hoa ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Bài viết này được xuất bản với sự cho phép của tác giả.

Bảo Vy
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Loãng xương nguy hiểm như thế nào?