Mỹ giữ lô hàng nhập khẩu 500 triệu USD 5 tháng vì nghi là sản phẩm từ lao động cưỡng bức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 5 tháng, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã chặn hơn 1.900 lô hàng nhập khẩu trị giá khoảng 500 triệu USD ở bến cảng, do nghi ngờ dính líu đến lao động cưỡng bức, theo thông báo ngày 14/3 của quyền giám đốc CBP.

Theo điều luật “Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ” (UFLPA) có hiệu lực vào tháng 6/2022, Mỹ được phép “giả định” tất cả hàng hóa được sản xuất ở vùng Tân Cương, Trung Quốc đều do lao động cưỡng bức làm ra; từ đó được phép kiểm tra và thu giữ tất cả các lô hàng có xuất xứ từ vùng này, cho đến khi có bằng chứng khác.

Hội thảo “Lao động Cưỡng bức" của CBP tổ chức tại Washington vừa qua đã thu hút sự góp mặt của rất nhiều đại diện các doanh nghiệp lớn nhỏ tại Mỹ. Ông Troy Miller, quyền giám đốc CBP, phát biểu tại hội thảo cho biết, những bước đầu trong việc áp dụng luật UFLPA đang được thực hiện vô cùng chặt chẽ và nghiêm ngặt.

Epoch Times Photo
Một người hái bông ở vùng Tân Cương của Trung Quốc. (Ảnh Getty Images)

“Tôi biết rằng chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại vấn nạn lao động cưỡng bức, đồng thời loại bỏ tận gốc những kẻ xấu không tuân thủ luật pháp. Hãy cùng chung tay thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu để chấm dứt những hành vi này”, trích lời ông Miller.

Kể từ năm 1930, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa sản xuất bằng lao động cưỡng bức.

Vấn nạn lao động cưỡng bức

Người Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc thiểu số, phần lớn theo đạo Hồi, sống chủ yếu ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc.

Ông Nury Turkel hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ. Là một trong những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ may mắn trốn thoát khỏi các trại cưỡng bức lao động của Trung Quốc, ông Turkel kể lại rằng, từ năm 2014, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ phải lao động cực khổ trong ngành bông.

“Trong suốt hàng thập kỷ qua, ĐCSTQ đã và vẫn đang lạm dụng lao động Duy Ngô Nhĩ. Các trại cải tạo, trại lao động cưỡng bức không những không bị phá bỏ, mà còn liên tục được mở rộng với quy mô khổng lồ trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của tôi”.

“Đáng sợ hơn nữa, việc cưỡng bức lao động Tân Cương không phải là do luật pháp Trung Quốc chưa nghiêm, cũng không phải do một số phần tử hủ bại nào đó trong chính quyền đang thông đồng với các doanh nghiệp gây ra; mà chính là chỉ thị từ các lãnh đạo tối cao của chính quyền Bắc Kinh. Theo những tài liệu mật bị rò rỉ, ĐCSTQ chủ trương ‘bắt giữ và không được phép khoan nhượng đối với người Duy Ngô Nhĩ’. Đây là bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đang hợp pháp hóa việc sử dụng lao động cưỡng bức”, trích lời ông Turkel trong hội thảo hôm 14/3.

“Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (PCC) chính là một tổ chức bán quân sự, chuyên điều phối lao động cưỡng bức ở khu vực Duy Ngô Nhĩ”, ông Turkel cho biết thêm.

Theo ông Turkel, những người Duy Ngô Nhĩ đã bị chính phủ Trung Quốc giam giữ, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức triệt sản, phá thai và tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Sau khi việc lạm dụng lao động Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ bị lật tẩy, vào tháng 12/2021, Quốc hội Hoa Kỳ, cùng với sự ủng hộ của lưỡng đảng, đã chính thức thông qua đạo luật UFLPA.

Thực thi UFLPA bằng công nghệ

Ông Robert Silvers hiện đang là Thứ trưởng phụ trách chiến lược, chính sách và kế hoạch của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. Phát biểu tại hội thảo “Lao động Cưỡng bức”, ông Silvers cho biết, Hoa Kỳ đang áp dụng công nghệ AI vào việc xác định nguồn gốc của các lô hàng nhập khẩu, tạo tiền đề cho việc xử lý các lô hàng vi phạm luật UFLPA.

“Cốt lõi của chương trình ‘Quan hệ Đối tác Thương mại Hải quan Chống khủng bố’ của chúng tôi là ưu tiên những đối tác đáng tin cậy”, ông Silvers chia sẻ.

Ông Silvers cho biết thêm, hiện CBP và Bộ An ninh Nội Địa Hoa Kỳ “đang hợp tác với các công ty công nghệ để nghiên cứu và phát triển các công nghệ AI tân tiến có khả năng tự học hỏi”, với hi vọng cải thiện khả năng phân tích, cũng như khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng của CBP. Hiện tại, các công nghệ đang được thử nghiệm để kiểm định nguồn gốc của sản phẩm bông, cũng như một số

Theo trợ lý ủy viên điều hành của Văn phòng Thương mại thuộc CBP AnnMarie Highsmith, trên thế giới hiện có khoảng 28 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức. Bà Highsmith cho rằng, cho dù luật pháp và các giải pháp công nghệ được áp dụng hiệu quả đến mấy, chính phủ Mỹ và các cơ quan vẫn phải tiếp tục sát sao trong việc quản lý nhân lực khu vực công và khu vực tư nhân. Bà mong sao nạn lao động cưỡng bức sẽ sớm bị xóa bỏ.

“Không có cây đũa thần nào có thể ‘phù phép' cho chúng ta biết hàng hóa nào là do lao động cưỡng bức sản xuất, hàng hóa nào không. Công nghệ dù tân tiến cũng không thể thay thế được các quy trình thẩm định truyền thống”.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch

Ký giả Lawrence Wilson phụ trách đưa tin về chính trị cho The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ giữ lô hàng nhập khẩu 500 triệu USD 5 tháng vì nghi là sản phẩm từ lao động cưỡng bức