Ngụ ngôn Aesop: Con cáo và con cò

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một ngày nọ, con cáo nghĩ ra một kế hoạch để giải trí cho bản thân bằng cách “chơi xỏ” con cò - người hàng xóm mà nó luôn chê cười vì vẻ bề ngoài kỳ quặc.

“Hôm nay anh nhất định phải đến dùng bữa với tôi đấy nhé”, con cáo thân mật mời con cò. Nó mỉm cười tự mãn khi nghĩ rằng trò chơi khăm của mình sắp thực hiện được. Con cò vui vẻ nhận lời và đến dùng bữa rất đúng giờ.

Epoch Times Photo
“Con cáo và con cò”, được minh họa bởi Milo Winter, từ “The Aesop for Children,” năm 1919. (PD-US)

Trong bữa tối hôm đó, con cáo đã mang ra món súp được bày trong một chiếc đĩa rất nông. Với cái mỏ dài của mình, con cò chẳng thể ăn được một giọt súp. Còn con cáo thì liếm láp món súp một cách ngon lành trước ánh nhìn thất vọng của con cò.

Con cò đói bụng đã rất bất bình trước trò lừa, nhưng nó vốn là một người bình tĩnh, không hay nóng giận, vì vậy nó đã không gây sự với con cáo. Thay vào đó, nó mời lại con cáo dùng bữa với mình vào một ngày khác.

Vào ngày đã định, con cáo đến rất đúng giờ, và con cò dọn ra bữa tối là món cá có mùi rất hấp dẫn. Nhưng món cá lại được để trong một cái lọ cao với cổ rất hẹp. Con cò có thể dễ dàng lấy được thức ăn với chiếc mỏ dài của mình, trong khi tất cả những gì con cáo có thể làm là liếm láp bên ngoài chiếc lọ và hít hà mùi thức ăn thơm ngon.

Epoch Times Photo
“Con cáo và con cò” được minh họa bởi Milo Winter, từ “The Aesop for Children,” năm 1919. (PD-US)

Và khi con cáo chuẩn bị lên cơn tức giận, con cò bình tĩnh nói:

Đừng chơi những trò lố với hàng xóm trừ khi bản thân bạn có thể chịu được sự đối xử tương tự.

Câu chuyện ngụ ngôn này được tái hiện từ “Truyện ngụ ngôn Aesop dành cho trẻ em” (1919).

Aesop (sống vào khoảng năm 620–564 trước Công nguyên) là một người kể chuyện người Hy Lạp được ghi nhận với một số truyện ngụ ngôn mà ngày nay được gọi chung là “Truyện ngụ ngôn của Aesop”. Những câu chuyện của ông, với giá trị đạo đức của chúng, từ lâu đã ảnh hưởng đến nền văn hóa và nền văn minh của chúng ta. Chúng không chỉ góp phần giáo dục và xây dựng nhân cách đạo đức cho trẻ em mà còn có sức hấp dẫn phổ quát, giúp những người lớn chúng ta tự soi chiếu bản thân vào đó để phát triển những đức tính tốt cũng như chú ý đến những lời cảnh báo bên trong câu chuyện.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngụ ngôn Aesop: Con cáo và con cò