Người lao động di cư nông thôn Trung Quốc chỉ được trả lương bằng một phần ba so với người dân thành thị

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Phép màu kinh tế” kéo dài 3 thập kỷ của Trung Quốc là một “cuộc chiến giai cấp”, được tạo ra bằng cách bóc lột những người lao động di cư nông thôn, khi họ phải nhận đồng lương ít ỏi chỉ bằng một phần ba so với mức lương của những người thành thị, theo một cuốn sách mới của Dexter Roberts - cựu lãnh đạo văn phòng Trung Quốc tại Bloomberg.

Cuốn sách mới của Roberts có tên là “Huyền thoại của chủ nghĩa tư bản Trung Quốc: Công nhân, Nhà máy và Tương lai của Thế giới”. Cuốn sách đã chỉ rõ ra việc hàng trăm triệu người lao động di cư từ nông thôn đã rời bỏ nhà cửa để đến làm việc ở các nhà máy ven biển với “mức lương ít ỏi và trong điều kiện làm việc tồi tệ”. Chính sách “bóc lột” của chính quyền được xem là nguyên nhân “đẩy sự phẫn nộ của công nhân đến mức độ bất ổn định”, và họ đang bắt đầu nổi dậy chống đối.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Roberts đã làm việc với tư cách là người đứng đầu văn phòng và là biên tập viên tin tức châu Á tại tờ Bloomberg Businessweek, có trụ sở tại Bắc Kinh. Trong khoảng thời gian làm việc tại đây, ông đã đưa tin từ mọi tỉnh thành và khu vực của Trung Quốc, bao gồm vùng Tây Tạng, Tân Cương, và từ cả nước láng giềng Bắc Triều Tiên. Ông hiện là thành viên của Trung tâm Maureen & Mike Mansfield tại Đại học Montana.

Theo cuốn sách mới của Roberts, con đường phát triển kinh tế theo kế hoạch tập trung của Trung Quốc (thường được ca ngợi là hình mẫu cho các quốc gia trên thế giới thoát nghèo), thực ra là một hệ thống bóc lột, khiến cho một nửa số công dân của họ trở thành những người lao động di cư hạng hai. Những người này không thể tiếp cận được với các khoản lợi ích kinh tế khổng lồ “từ trên trời rơi xuống” mà những người dân thành thị đang được hưởng.

Trong một cuộc phỏng vấn với blog công nghệ Quartz, Roberts gọi Trung Quốc là một “huyền thoại” khi đã mở rộng rất nhiều tầng lớp trung lưu, tạo ra các công ty cạnh tranh và các công nghệ tiên tiến để thống trị thị trường toàn cầu.

Roberts tuyên bố rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc dựa trên ba công cụ chính sách chính:

1) Chính sách đăng ký hộ khẩu hukou;

2) Chính sách một con;

3) Hệ thống đất đai kép.

Hukou là một hệ thống đăng ký hộ khẩu gia đình chính thức của Trung Quốc (xác định cá nhân nào là cư dân của khu vực nào). Nó được kết nối trực tiếp với các chương trình xã hội của chính phủ, trong đó việc phân phối lợi ích sẽ dựa trên tình trạng cư trú nông nghiệp và phi nông nghiệp (nông thôn và thành thị).

Kể từ khi Đảng Cộng sản kiểm soát được Trung Quốc vào năm 1949, hukou đã đóng vai trò như một “hệ thống phân biệt đẳng cấp”. Cư dân thành thị sẽ nhận được các phúc lợi từ lương hưu, giáo dục cho tới chăm sóc sức khỏe; trong khi cư dân nông thôn thường bị bỏ rơi và phải tự vật lộn bươn chải cho cuộc sống của mình. Chính sách đăng ký hộ khẩu này đảm bảo rằng Trung Quốc trong nhiều thập kỷ sẽ có một lực lượng lao động di cư nông thôn được trả lương tương đối thấp, và phải rất “ngoan ngoãn” phục tùng để xây dựng Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”.

Dưới các cuộc cải cách ruộng đất nông nghiệp trên toàn quốc diễn ra từ năm 1950 đến mùa xuân năm 1953, đất đai ở nông thôn Trung Quốc đã bị tập thể hóa. Nông dân không thể bán đất, nhưng chính quyền địa phương lại có thể mua đất ở nông thôn với giá rất rẻ, rồi tiến hành định nghĩa lại đất này là đất công nghiệp hoặc thương mại, sau đó nâng giá và bán lại cho các nhà phát triển để thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Nhưng tình hình tại các thành phố của Trung Quốc thì không như vậy. Tại đây có một “thị trường bất động sản khổng lồ và vô cùng sinh lời cho người dân thành thị”, nơi cư dân mua và bán quyền sở hữu đất thổ cư trong các hợp đồng thuê đất 70 năm, tạo ra một “vụ bùng nổ của cải”.

Roberts lập luận rằng các hukou đã đóng vai trò như một “hệ thống hộ chiếu nội bộ” nhằm gây khó khăn cho người dân nông thôn Trung Quốc trong việc định cư lâu dài tại các thành phố. Hệ quả là các cư dân nông thôn không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe với mức giá phải chăng ở các thành phố, và con cái của họ không thể được đi học tại các trường học thành thị với mức học phí thấp.

Nhiều gia đình nông thôn có các bậc cha mẹ là dân lao động di cư, trong khi con cái họ vẫn sống ở nông thôn phải đối mặt với tỷ lệ thất học cao hơn nhiều so với con cái của các bậc cha mẹ thành thị. Roberts tin rằng chủ trương về việc “xây dựng một nền kinh tế định hướng bởi các sáng kiến công nghệ cao” của Trung Quốc sẽ không thể đạt được, nếu một phần đáng kể trẻ em chỉ là “học sinh bỏ học cấp ba”.

Roberts lập luận rằng chính sách “một con” của Trung Quốc đã tạo ra một sự sụt giảm nhân khẩu đối với quy mô lực lượng lao động của họ, và điều này đang góp phần chấm dứt “mô hình phát triển công xưởng của thế giới”. Kết quả là, Trung Quốc không còn lao động giá rẻ và không còn một lực lượng lao động “ngoan ngoãn” nữa.

Bất chấp việc những nhà quan sát Trung Quốc cho rằng chính quyền nước này vẫn đang tiếp tục củng cố quyền lực của mình, Roberts nhận định rằng hiện tại họ đang phải đối mặt với “nhiều hơn một mối đe dọa”.

Trong tình trạng bị buộc phải trả lương cao hơn ở Trung Quốc, các công ty nước ngoài đang chuyển việc sản xuất của mình sang các nước khác mà có thể cung cấp lao động rẻ hơn. Cùng với sự thúc đẩy chính sách từ các cấp cao nhất của chính phủ Bắc Kinh nhằm cố gắng tự động hóa các nhà máy, những công việc dành cho người lao động nhập cư đang dần biến mất.

Trong khi người dân thành thị được hưởng nhiều lợi ích tài chính từ mô hình “độc đoán” cũ, điều này lại khiến cho những người lao động di cư chỉ được nhận mức lương thấp và là những công dân hạng hai. Chính quyền Trung Quốc hy vọng rằng những người lao động nhập cư không còn làm việc trong các nhà máy ở thành phố hay công trường xây dựng, sẽ lặng lẽ trở về quê nhà và “tự sáng tạo ra một hình thức việc làm mới”, ví dụ như các mô hình khởi nghiệp.

Roberts cho biết lực lượng người lao động di cư này hầu như không có bất kỳ kỹ năng kỹ thuật nào và có rất ít tiền tiết kiệm. Điều này có thể châm ngòi cho một cuộc đấu tranh giai cấp ở Trung Quốc, mà có thể liên quan đến sự nổi loạn của hàng trăm triệu người lao động di cư nông thôn.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Người lao động di cư nông thôn Trung Quốc chỉ được trả lương bằng một phần ba so với người dân thành thị