Nguyên nhân khiến nhà ngoại giao 'Chiến Lang' số 1 của Trung Quốc Triệu Lập Kiên bị 'thất sủng'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), “Chiến Lang” số 1 của chính quyền Trung Quốc, gần đây đã bị điều chuyển sang một vai trò mới, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương. Giới quan sát Trung Quốc cho rằng, ông Triệu đã bị "giáng chức", vì đó không phải là con đường sự nghiệp điển hình của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Triệu Lập Kiên đột ngột biến mất khỏi cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kể từ hôm 2/12/2022. Giới quan sát Trung Quốc cho rằng, động thái này cho thấy Bắc Kinh đang áp dụng một cách tiếp cận mới đối với chính sách ngoại giao toàn cầu của mình.

Ông Triệu từng là Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc và là phát ngôn viên thứ 31 do ĐCSTQ bổ nhiệm. Hiện tại, ông đang giữ một vai trò "không rõ ràng" trong Vụ Biên giới và Đại dương.

Một 'Chiến Lang' trong thời kỳ đại dịch Covid-19

Con đường sự nghiệp của các phát ngôn viên ĐCSTQ có thể dễ dàng đoán trước, vì gần như họ đều được thăng chức và thăng tiến dưới chính quyền của ĐCSTQ.

Ví dụ, ông Tần Cương (Qin Gang), cựu phát ngôn viên và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ sẽ kế nhiệm ông Vương Nghị làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ông Lục Khảng (Lu Kang), phát ngôn viên của ĐCSTQ từ năm 2015 đến 2019, được thăng chức Giám Đốc bộ phận các vấn đề Bắc Mỹ và Châu Đại Dương vào năm 2019. Hiện ông là Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia.

Ông Cảnh Sảng (Geng Shuang), phát ngôn viên của ĐCSTQ từ năm 2016 đến 2020, hiện là Phó đại diện thường trực của ĐCSTQ tại Liên Hợp Quốc.

Ông Triệu Lập Kiên bắt đầu vai trò phát ngôn viên của mình vào ngày 24/2/2020. Lúc này, ông được giới truyền thông Trung Quốc đánh giá rất cao. Điểm đáng chú ý là ông đã đảm nhận vai trò đó trong suốt ba năm ĐCSTQ thực hiện chính sách Zero Covid.

Ông Triệu cũng thường xuyên thể hiện vai trò “Chiến Lang” của mình. Chẳng hạn, ông đã lên án việc Hoa Kỳ chính trị hóa vấn đề truy tìm nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ông cũng cáo buộc virus Covid-19 có nguồn gốc từ phòng nghiên cứu thí nghiệm sinh học cấp 4 tại Viện Nghiên cứu Y tế về các Bệnh Truyền nhiễm của Quân đội Hoa Kỳ tại Fort Detrick.

Sự biến mất của ông khỏi cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao vào tháng 12/2022 gần như trùng hợp với thời điểm mà ĐCSTQ mở cửa biên giới Trung Quốc, cũng như sự bùng nổ các ca lây nhiễm Covid-19 ở Bắc Kinh.

Trung Quốc COVID-19
Bệnh nhân nằm trên cáng tại Bệnh viện Tongren ở quận Trường Ninh, Thượng Hải, hôm 3/1/2023. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Tại sao ông Triệu Lập Kiên bị 'gạt sang một bên'?

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc nghi ngờ rằng, Bắc Kinh đã trừng phạt ông Triệu vì bình luận của vợ ông về tình trạng thiếu thuốc không kê đơn trên mạng xã hội Trung Quốc.

Theo đó, vợ ông Triệu đã phàn nàn rằng, bà không thể mua được bất kỳ loại thuốc cảm cúm và thuốc hạ sốt nào tại các hiệu thuốc địa phương trong hơn một tuần. “Tất cả những loại thuốc này đã đi đâu?”, bà viết.

Cư dân mạng Trung Quốc đã chỉ trích bài đăng của bà là “giả mạo”, đồng thời nói rằng, thật khó tin rằng một người có đặc quyền lại không được tiếp cận với thuốc men. Ngay sau đó, vợ của ông Triệu đã xóa bài viết của mình.

Trong một video YouTube bằng tiếng Trung của mình, nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Thạch Đào (Shi Tao) tin rằng việc ông Triệu bị giáng chức không phải là do bài đăng trên mạng xã hội của vợ ông. Động thái này cho thấy nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đang có cách tiếp cận khác đối với chính sách ngoại giao “Chiến Lang” của mình.

Ông Thạch Đào nhận định rằng, kể từ khi ông Tập giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ với tư cách là lãnh đạo của ĐCSTQ tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 vào tháng 10/2022, ông Tập cảm thấy rằng, ông đang nắm trong tay "quyền sinh quyền sát" và có thể làm bất cứ điều gì ông muốn, chẳng hạn như chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Indonesia vào tháng 11/2022 và đột ngột chấm dứt chính sách Zero Covid vào tháng trước.

Ông Ryan Hass, một học giả về Trung Quốc và Châu Á tại Viện Brookings, đã đăng trên Twitter vào ngày 9/1 rằng, tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, “khẳng định rằng, ông [Triệu Lập Kiên] không phải là một Chiến Lang. Và việc điều chuyển ông Triệu Lập Kiên có thể giúp ông ấy làm nổi bật điểm này".

Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Lý Lâm Nhất (Li Linyi) gần đây đã nói với The Epoch Times rằng, việc giáng chức ông Triệu cho thấy ông Tập đang “tinh chỉnh” chiến lược toàn cầu của mình, vì gần đây ông Tập đã có những lời lẽ mềm mỏng hơn.

Ví dụ, trong bài phát biểu chào mừng Năm Mới 2023, ông Tập nói rằng, người dân ở cả hai bờ eo biển Đài Loan đều là “thành viên của cùng một gia đình”. Do đó, thái độ “Chiến Lang” của ông Triệu Lập Kiên lúc này không còn phù hợp với chiến lược ngoại giao của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, ông Lý Lâm Nhất nói rằng, bản chất của họ là những “Chiến Lang", cho nên việc họ tiếp tục duy trì thái độ cứng rắn trong nhiều vấn đề sẽ không thay đổi.

“Ông Tần Cương từng là một 'Chiến Lang' nổi tiếng nhiều năm trước. Trong các bài phát biểu gần đây, ông Tập cũng thường nhắc đến cụm từ 'đấu tranh'”.

Ông Lý Lâm Nhất tin rằng ĐCSTQ là “sói đội lốt cừu”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Nguyên nhân khiến nhà ngoại giao 'Chiến Lang' số 1 của Trung Quốc Triệu Lập Kiên bị 'thất sủng'