Số ca mắc bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người' Whitmore tăng đột biến sau mưa lũ ở miền Trung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thời điểm chịu tác động của bão lũ, ở miền Trung bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" Whitmore với tỉ lệ tử vong trung bình 40-60% có số ca bị nhiễm tăng đột biến.

Ngày 17/11, Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, trong mùa bão lụt kéo dài từ đầu tháng 10 đến nay, số lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (hay bệnh "vi khuẩn ăn thịt người") tại các tỉnh miền Trung tăng đột biến.

Theo thống kê từ tháng 10 đến giữa tháng 11, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận 28 ca bệnh. Trong đó, có50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy... thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh đã vào giai đoạn muộn với tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... dẫn đến việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Nếu so sánh với số ca bệnh mà Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận điều trị từ năm 2014 đến năm 2019 (khoảng 83 ca Whitmore), hay từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2020 (11 ca Whitmore), thì số ca mắc bệnh Whitmore giai đoạn từ tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020 (28 ca) là con số đáng báo động.

Bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương (Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, sau bão lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường. Người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn.

Vì vậy xử lý môi trường ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch và chăm sóc sức khỏe sau lũ là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, điều trị bằng các loại kháng sinh đặc hiệu.

Những trường hợp tử vong thường do bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

Melioidosis hay còn gọi là bệnh Whitmore, do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.

Whitmore còn được quan tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học. Melioidosis có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh.

Theo tài liệu y khoa, ca bệnh đầu tiên được Alfred Whitmore phát hiện vào năm 1911 tại Myanmar.

Bệnh thường gặp nhiều ở Đông Nam Á và bắc Úc và cũng được thấy ở nam Thái Bình Dương, châu Phi, Ấn Độ và Trung Đông. Trong đó, bắc Úc và đông bắc Thái Lan là các điểm nóng về bệnh này.

Ở Việt Nam, bệnh Melioidosis (Whitmore) được Pons và Advier mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 ở một phụ nữ trẻ tuổi sống ở ngoại thành Sài Gòn. Bệnh nhân tử vong trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết và đã phân lập được trực khuẩn Whitmore trong máu.

Hiện bệnh Whitmore được phát hiện ở 80 quốc gia. Hàng năm, có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh và bệnh cướp đi sinh mạng sống của 89.000 người.

Dự báo, mỗi năm ở Việt Nam sẽ có khoảng 10.430 ca nhiễm bệnh Whitmore và khoảng 4.703 ca tử vong.


Số ca mắc bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người' Whitmore tăng đột biến sau mưa lũ ở miền Trung