Sự biến mất bí ẩn của 3000 lính Tiểu đoàn Nam Kinh Trung Quốc trong chiến tranh Trung Nhật lần thứ hai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 10 tháng 12 năm 1939, trước cuộc xâm lược của quân đội Nhật Bản đối với Trung Hoa Dân Quốc trong Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ hai (1937 - 1945), gần 3.000 binh lính Trung Quốc đã được giao nhiệm vụ bảo vệ một cây cầu trên sông Trường Giang. Tuy nhiên, khi đến sáng, những người lính đã đột ngột... biến mất.

Sẵn sàng chiến đấu

Tiểu đoàn trưởng Li Fu Sien là chỉ huy của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ. Ông nhận lệnh phải bảo vệ các ngọn đồi ở Nam Kinh, bao gồm một khu vực rộng 3,2 km, với mục tiêu chính là ngăn chặn không cho quân Nhật thoát ra ngoài thông qua cây cầu bắc qua sông Trường Giang.

Tiểu đoàn nguyên ban đầu là lực lượng yểm hộ phía sau, nhưng được lệnh tiến về các cứ điểm mà quân Nhật chiếm đóng trong khu vực. Họ được trang bị một số pháo hạng nặng và được thông báo có thể sẽ phải chiến đấu đến người cuối cùng nếu cần. Sau khi thị sát binh lính đào công sự phòng ngự và tổ chức tuần tra canh gác, tiểu đoàn trưởng Li liền quay trở lại khu nghỉ dành riêng cho sĩ quan nằm cách khoảng 2 dặm phía sau chiến tuyến.

Những người lính Trung Hoa Dân Quốc hành quân ra tiền tuyến vào năm 1939. (Ảnh: Wikipedia)
Những người lính Trung Hoa Dân Quốc hành quân ra tiền tuyến vào năm 1939. (Ảnh: Wikipedia)

Sáng hôm sau, tiểu đoàn trưởng Li bất ngờ bị đánh thức và được thông báo rằng, các binh sĩ không hề phản hồi bất kỳ cuộc gọi hoặc tín hiệu nào từ trung tâm chỉ huy. Một đội điều tra gồm những người có mặt ở hậu phương đã được thành lập. Khi đến vị trí đóng quân vào đêm trước đó, họ lập tức bị choáng!

Các vị trí canh giữ được thiết lập của quân lính hoàn toàn bị bỏ hoang, không có dấu hiệu của sự giằng co, vũ khí hạng nặng vẫn còn nguyên và ở vị trí sẵn sàng khai hỏa, Những đống lửa được che giấu cẩn thận vẫn âm ỉ cháy với những khẩu súng trường xếp sát bên. Ngoại trừ một số ít quân đóng tại khu vực cầu bắc qua sông, không có một người lính nào khác được tìm thấy.

Phần lớn tiểu đoàn đã biến mất hoàn toàn, bao gồm tất cả những sĩ quan từng có mặt tại hiện trường. Đơn vị đóng quân tại cầu cũng không hề biết chuyện gì đã xảy ra. Họ tuyên bố rằng không có ai vượt qua trong đêm, họ không nghe thấy bất kỳ âm thanh chiến đấu nào và cũng không chắc chắn về số phận của những người lính mất tích.

Lính Trung Hoa Dân Quốc giao tranh từng nhà trong Trận Taierzhuang. (Ảnh: Wikipedia)
Lính Trung Hoa Dân Quốc giao tranh từng nhà trong Trận Taierzhuang. (Ảnh: Wikipedia)

Nhóm điều tra nhận định cây cối xung quanh rất thưa thớt nên việc đào tẩu hàng loạt là hầu như không thể, cũng như không có bất kỳ dấu hiệu nào trên cảnh quan cho thấy đã xảy ra một cuộc giao tranh dữ dội. Không một xác chết hay một ngôi mộ nào được tìm thấy. Thậm chí cả người Nhật sau đó cũng thông báo rằng, họ không hề giao chiến với bất kỳ nhóm lính Trung Quốc nào như vậy trong thời gian đó.

Những nông dân sống trong khu vực cho biết họ không nghe thấy tiếng súng, cũng như không thấy bất kỳ binh lính nào chạy trốn khỏi tuyến phòng thủ qua vùng nông thôn.

Lý do mất tích khả dĩ nhất

Có ý kiến ​​cho rằng binh lính Trung Quốc có thể đã đầu hàng người Nhật. Để làm điều này, họ sẽ phải đi qua cây cầu, vốn là nơi được quan sát và canh giữ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đơn vị canh gác tại cầu không phát hiện số lượng lớn người đào tẩu như vậy.

Tuy nhiên có một sự thật rằng, người Trung Quốc nhận thức rất rõ về sự tàn bạo vốn được biết đến rộng rãi mà người Nhật dành cho các tù nhân chiến tranh, nên việc đầu hàng dường như không thể xảy ra. Nếu họ đầu hàng, họ sẽ bị tra tấn, bị giết hoặc chết vì bị ngược đãi.

Một người lính Quốc dân Đảng Trung Quốc, 10 tuổi, thành viên của một sư đoàn Trung Quốc thuộc Lực lượng X, lên máy bay ở Miến Điện đến Trung Quốc, tháng 5 năm 1944. (Ảnh: Wikipedia)
Một người lính Quốc dân Đảng Trung Quốc, 10 tuổi, thành viên của một sư đoàn Trung Quốc thuộc Lực lượng X, lên máy bay ở Miến Điện đến Trung Quốc, tháng 5 năm 1944. (Ảnh: Wikipedia)

Nhiều học giả lịch sử tán đồng với kết luận rằng: Có thể quá mệt mỏi vì giao tranh kéo dài hoặc thấy tình hình vô vọng, hầu hết quân lính đã bỏ trốn một cách lặng lẽ. Mặc dù chỉ có một cây cầu để đi qua, nhưng không có nghĩa đó là lối duy nhất để thoát ra khỏi khu vực. Lợi dụng sự bao phủ của bóng tối, những người đàn ông quen thuộc với vùng nông thôn có thể hòa mình vào màn đêm đen mà không bị ai phát hiện. Cuộc đào tẩu của các binh lính có thể đã được những người nông dân trong khu vực hỗ trợ và che chở.

Kẻ đánh bom liều chết Trung Quốc mặc một chiếc áo nổ làm từ lựu đạn cầm tay Kiểu 24 để sử dụng trong một cuộc tấn công vào xe tăng Nhật Bản trong trận Taierzhuang. (Ảnh: Wikipedia)
Kẻ đánh bom liều chết Trung Quốc mặc một chiếc áo nổ làm từ lựu đạn cầm tay Kiểu 24 để sử dụng trong một cuộc tấn công vào xe tăng Nhật Bản trong trận Taierzhuang. (Ảnh: Wikipedia)

Tuy nhiên, việc lựa chọn công khai thông tin liên quan đến vụ đào ngũ quy mô lớn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của binh lính, chưa kể người Nhật sẽ lợi dụng cơ hội này để tuyên truyền, tô vẽ khiến hình ảnh của quân đội Trung Quốc trông ngu ngốc và yếu đuối. Vì vậy, các chỉ huy quân đội Trung Quốc lúc bấy giờ đã tuyên bố đó là một “vụ mất tích bí ẩn” nhằm che đậy sự thật.

Ngoài ra còn có nhiều giả thuyết khác nhau trên mạng để giải thích vụ mất tích, chẳng hạn đó là một vụ bắt cóc của vật thể bay không xác định UFO, hoặc quân đội rút lui vào lòng đất rỗng bên dưới Trái đất. Tuy nhiên, vẫn có một lời giải thích khác, và có lẽ đó là cách giải thích hợp lý nhất: vụ mất tích chưa bao giờ xảy ra, không có tiểu đoàn hay vụ mất tích nào như vậy. Câu chuyện rất có thể không có gì khác ngoài tin đồn thêu dệt để làm tăng sự tò mò hoặc gây hoảng sợ đối với nhiều người.

Hoàng Tuấn
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Sự biến mất bí ẩn của 3000 lính Tiểu đoàn Nam Kinh Trung Quốc trong chiến tranh Trung Nhật lần thứ hai