Tranh cãi nổ ra khi người gửi tiền Trung Quốc ở SVB cũng được Mỹ bảo vệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức Quốc hội Mỹ bày tỏ lo ngại rằng 'các đối thủ ngoại quốc, thù địch' như Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ gói cứu trợ của Mỹ trong vụ sụp đổ của ngân hàng SVB. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ xác nhận những người gửi tiền ngoại quốc cũng nằm trong diện được bảo vệ.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen xác nhận, như một phần trong các biện pháp đặc biệt của chính phủ Mỹ nhằm bảo vệ những người gửi tiền được bảo hiểm và không được bảo hiểm tại Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) khỏi bị thiệt hại, các khách hàng ngoại quốc cũng sẽ được bảo vệ.

Gói giải cứu sẽ được tài trợ một phần thông qua các đánh giá đặc biệt áp dụng cho các ngân hàng Mỹ để bù đắp những tổn thất này cho toàn bộ cho khách hàng.

Kể từ khi tổ chức tài chính có trụ sở tại Santa Clara sụp đổ, có thông tin cho rằng ngân hàng này liên quan tới nhiều quỹ và công ty khởi nghiệp của Trung Quốc, bao gồm cả các công ty có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Thượng nghị sĩ James Lankford (Cộng Hòa - Oklahoma) đã hỏi trong phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện hôm thứ 5 (16/03): “Liệu các ngân hàng của tôi ở Oklahoma có trả một khoản đánh giá đặc biệt để có thể bảo đảm toàn vẹn cho nhà đầu tư Trung Quốc tại Ngân hàng Thung lũng Silicon không?”

Bà Yellen lưu ý rằng những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ được hoàn trả toàn bộ tại SVB, đồng thời nói thêm: “Tôi cho rằng điều đó có thể bao gồm cả những người gửi tiền ngoại quốc”.

Bà nói, “Tôi không tin có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để phân biệt đối xử giữa những người không có bảo hiểm”.

Các thành viên Cộng hòa khác đã bày tỏ lo ngại về việc trao các khoản thanh toán cho các nhà đầu tư và công ty Trung Quốc.

Tranh cãi nổ ra khi người gửi tiền Trung Quốc ở SVB cũng được Mỹ bảo vệ
Thượng nghị sĩ James Lankford (Cộng Hòa - Oklahoma) phát biểu tại Washington, Mỹ, hôm 16/09/2020. (Ảnh: Anna Moneymaker/Pool/AFP qua Getty Images)

Trong một lá thư gửi bà Yellen, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa - Florida) yêu cầu chính phủ Mỹ phải hành động để đảm bảo rằng “các đối thủ ngoại quốc, thù địch” không được hưởng lợi từ sự sụp đổ của SVB.

Ông Rubio viết, “Tôi yêu cầu bộ đảm bảo rằng các chính phủ thù địch ngoại quốc, cũng như các công ty thuộc quyền kiểm soát của họ, không thể khai thác thời điểm này phục vụ lợi ích vật chất của riêng họ”.

“Khi Bộ Tài chính, cùng với Cục Dự trữ Liên bang và FDIC, tiếp tục phản hồi, tôi yêu cầu Bộ Tài chính cung cấp thông tin liên quan đến những người gửi tiền từ CHND Trung Hoa, bao gồm cả Hong Kong và Ma Cao, những đối tượng có thể mong đợi nhận được các khoản bồi hoàn liên bang từ Quỹ bảo hiểm tiền gửi và nguồn cứu trợ liên bang khác”.

Người ta ước tính rằng SVB có 13,9 tỷ USD tiền gửi ngoại quốc không thuộc đối tượng của các quy định bảo hiểm của liên bang hoặc tiểu bang.

Trong một tuyên bố ngày 11/03, Silicon Valley Bank SPD - một liên doanh với Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải thuộc sở hữu nhà nước - đã xác nhận rằng hoạt động vận hành của họ “vững mạnh”.

Công ty cho biết trong một tuyên bố, “Ngân hàng có cơ cấu quản trị doanh nghiệp tiêu chuẩn hóa và bảng cân đối kế toán độc lập”.

Andon Health, một nhà sản xuất thiết bị y tế, đã xác nhận trong một hồ sơ gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến rằng tất cả các khoản tiền gửi của họ tại SVB “có thể được sử dụng đầy đủ và không bị thiệt hại”. BeiGene, một trong những công ty dược phẩm lớn nhất ở Trung Quốc, thông báo rằng họ có 175 triệu USD tiền gửi không có bảo hiểm tại SVB. Công ty dược phẩm Zai Lab duy trì 23 triệu USD tiền gửi tại SVB.

Những công ty khác, chẳng hạn như Everest Medicines và CStone Pharmaceutical, đảm bảo với các nhà đầu tư rằng sự sụp đổ của SVB sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động chung của họ.

Tranh cãi nổ ra khi người gửi tiền Trung Quốc ở SVB cũng được Mỹ bảo vệ
Một khách hàng đứng bên ngoài trụ sở của Silicon Valley Bank (SVB) đã bị đóng cửa ở Santa Clara, California, hôm 10/03/2023. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Lịch sử của SVB với Trung Quốc

Các chuyên gia trong ngành lưu ý rằng SVB rất quan trọng đối với Trung Quốc vì nhiều quỹ và doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các công ty công nghệ sinh học, đã gửi tiền của họ tại SVB trước khi mang về nước.

SVB lần đầu tiên đặt chân vào thị trường Trung Quốc vào năm 1999 và thành lập văn phòng tại Bắc Kinh để cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ khách hàng cho các nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ.

SVB Financial, công ty mẹ của SVB, tự hào được phục vụ “nền kinh tế đổi mới”.

Ông Greg Becker, Giám đốc điều hành của SVB khi đó, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 với American Banker: “Một công ty đổi mới ở Trung Quốc có thể phát triển nhanh gấp hai đến năm lần so với ở Mỹ". "Có nhiều người hơn và họ đang nắm bắt công nghệ với tốc độ cực nhanh. Nếu bạn tìm đúng công ty với ý tưởng phù hợp, sự tăng trưởng có thể rất tuyệt vời”.

Vào năm 2012, ngân hàng đã tham gia một liên doanh 50:50 với Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải để mở rộng “các giải pháp vốn lưu động, giải pháp tài chính thương mại, quản lý tài sản CNY/FCY, tiền gửi và dịch vụ chuyển đổi” tại Trung Quốc. SVB cũng là một lựa chọn hấp dẫn vì nó cho phép khách hàng ngoại quốc mở tài khoản vãng lai tại Mỹ trong vòng chưa đầy hai tuần, một quá trình thường mất nhiều thời gian hơn ở các tổ chức tài chính khác.

Sau sự sụp đổ của SVB, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ cố gắng giảm thiểu thiệt hại và vượt qua bối cảnh hỗn loạn hiện tại.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tranh cãi nổ ra khi người gửi tiền Trung Quốc ở SVB cũng được Mỹ bảo vệ