Từ vụ 'bà mẹ Từ Châu 8 con', nhìn lại nạn buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dư luận trong và ngoài Trung Quốc đang theo sát vụ bà mẹ bị xích cổ có 8 đứa con ở huyện Phong, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô. Ban đầu, chính quyền phủ nhận vụ án này có liên quan đến nạn buôn bán người, nhưng sau đó đã phải thừa nhận. Buôn bán phụ nữ luôn là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Trung Quốc, và “người phụ nữ đeo xích” này chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Trước áp lực lớn từ dư luận, chính quyền tỉnh Giang Tô thông báo hôm 17/2 rằng sẽ thành lập đội điều tra toàn diện về vụ việc bà mẹ 8 con ở huyện Phong; sẽ nghiêm trị những hành vi phạm tội và bắt những người liên quan chịu trách nhiệm.

Tin tức này đã nhận được sự quan tâm rộng rãi từ cư dân mạng đại lục. Chủ đề "Thành lập đội điều tra vụ việc người phụ nữ sinh 8 con ở huyện Phong" từng lên top tìm kiếm nóng trên Weibo. Tính đến 3h30 chiều ngày 17/2, chủ đề này đã đạt 890 triệu lượt xem; đến 5h30 chiều hôm qua, số lượt xem đã vượt quá 1,15 tỷ. Đến 12h trưa hôm nay (ngày 18/2), chủ đề này có tổng cộng 2,32 tỷ lượt nhấp đọc và 867.000 bình luận.

Xem thêm: Đâu là danh tính thực sự của 'bà mẹ 8 con Từ Châu'? Liệu còn tội ác nào đang bị che giấu?

Từ Châu là một điểm nóng của thị trường buôn người ở Trung Quốc

Trong một bài bình luận đăng trên trang blog cá nhân, nhà bình luận chính trị Lâm Bảo Hoa (Lin Pao-hua) cho biết, nạn buôn người ở Trung Quốc nổi lên cùng với thời kỳ cải cách và mở cửa. Do cải cách và mở cửa về kinh tế nhưng lại từ chối cải cách về chính trị, nên các quan chức càng tham ô hủ bại, từ đó dung túng cho các hành vi bất chính cũng như các vụ việc phạm pháp và phá hoại kỷ cương.

Ông Lâm Bảo Hoa tốt nghiệp khoa lịch sử đảng của trường Đại học Nhân dân Trung Quốc năm 1960 và từng trải qua các cuộc vận động như Phản hữu, Đại nhảy vọt, v.v. Trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, ông cũng bị điều về công xưởng lao động và phải tham gia cải tạo. Năm 1976 ông chạy sang Hong Kong và làm biên tập cho tờ Trung Báo, Tín Báo, sau đó làm trợ lý nghiên cứu tại Trường Kinh tế và Tài chính thuộc Đại học Hong Kong. Vì phê phán Đảng Cộng sản Trung Quốc nên ông bị tước giấy thông hành Đại lục - Hong Kong. Ông sang Mỹ năm 1997, và hiện đang trú tại Đài Loan.

Ông cho biết, từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990, báo chí Trung Quốc từng đưa tin sôi nổi về vấn nạn buôn người. Lúc đó cả nước Trung Quốc có ba khu “chợ” nóng, một trong số đó là Từ Châu nằm ở phía tây bắc tỉnh Giang Tô. Không giống khu vực miền nam Giang Tô, miền bắc Giang Tô vốn nghèo khó vì đất mặn và kiềm. Nhưng khu vực Từ Châu lại gần các khu khai thác than nổi tiếng Tảo Trang và Duyện Châu ở miền nam tỉnh Sơn Đông, nên những người thợ khai thác than ở đó được trả lương khá cao vì công việc vất vả. Tuy nhiên, có rất ít cô gái sẵn sàng kết hôn với họ vì tính chất công việc nguy hiểm, hơn nữa đó lại toàn là những “cục than đen” (ý chỉ công nhân thợ mỏ).

Bài bình luận viết rằng, vì Từ Châu là nơi giao nhau của Đường sắt Lũng Hải và Đường sắt Tân Phổ, giao thông đi lại thuận tiện, nên những kẻ buôn người rất lộng hành ở đó. Hầu hết các cô gái bị buôn bán đều đến từ các vùng nghèo khó ở các tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên và Vân Nam. Cũng có những cô gái bị bán cho những người tử tế, từ đó vươn lên thoát nghèo và họ nói rằng đang sống rất hạnh phúc, không muốn về quê. Nhưng tất nhiên những người không may mắn vẫn chiếm đa số. Giá thị trường thời kỳ đầu là 2.000 - 3.000 nhân dân tệ, từng ấy tiền là có thể mua được một cô gái. Nếu một số thợ mỏ không có đủ tiền, họ sẽ mua chung một cô, và cô gái đó trở thành “cộng thê” (tức là vợ chung).

Ông Lâm kết luận rằng, rõ ràng “người phụ nữ bị đeo xích” là một nô lệ tình dục thì cô mới có thể sinh liên tiếp 8 đứa con cho "chủ nhân" họ Đổng của mình. Người ta nói rằng đã làm xét nghiệm ADN và chứng minh rằng đó đều là con của hai người họ. Một cô gái bị đeo xích sắt trong 20, 30 năm cũng sẽ phát điên, ngay cả khi cô ấy không bị tấn công tình dục. Câu hỏi đặt ra là làm sao hàng xóm lại không biết chuyện này? 8 đứa trẻ đó được sinh ra như thế nào? Không đến bệnh viện hoặc trạm y tế? Tất cả là do (ông chồng) họ Đổng đỡ đẻ? Nếu cô ấy ra ngoài, làm sao những người tiếp xúc với cô lại không biết? Làm sao cán bộ kế hoạch hóa gia đình tại địa phương lại cho phép cô ấy sinh 8 người con, họ đã nhận bao nhiêu hối lộ?

Ông cũng chỉ ra rằng, điều kỳ lạ hơn nữa là, 8 đứa trẻ do cô ấy sinh ra nhìn thấy mẹ bị bạo hành như vậy nhưng đều không có phản ứng, thậm chí có đứa còn giúp bố nói chuyện. Và sự chênh lệch giữa người con cả và người con thứ hai là hơn 10 tuổi, sau đó lại sinh liên tiếp 6 người con, có uẩn khúc gì đằng sau điều này? Trong xã hội ngày nay, nhân tính, tình thân gia đình đi đâu hết rồi? Tóm lại, đằng sau đó còn rất nhiều điều mờ ám, liệu các cơ quan chức năng có dám tiết lộ? Và đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, còn bao nhiêu điều chưa được công khai?

Nhiều vụ án phụ nữ vô danh chết trôi ở huyện Phong

Trong khi danh tính của bà mẹ 8 con vẫn là một ẩn số, thì một luật sư đại lục phát hiện ra rằng, trong 6, 7 năm trở lại đây báo chí Trung Quốc từng đưa tin về nhiều vụ án phụ nữ chết trôi ở huyện Phong. Phần lớn không rõ danh tính, và cơ quan công an vẫn đăng thông báo yêu cầu công chúng cung cấp manh mối.

Hôm 16/2, tài khoản Weibo có dấu tick "Luật sư Vương Đằng Oscar" – được chứng nhận là "Luật sư của Công ty Luật Vĩ Hành Bắc Kinh (Beijing Weiheng Law Firm) chi nhánh Thượng Hải" – viết rằng: "Tại sao sông hồ ở huyện Phong lại thường xuất hiện xác chết phụ nữ như vậy? Là do phụ nữ ở đây thích bơi lội? Hay còn có bí mật nào khác? [Đây là] đặc sắc của Từ Châu? Đặc sắc của huyện Phong?".

Các bài báo về thi thể phụ nữ chết trôi ở huyện Phong, thành phố Từ Châu từ năm 2016 đến nay do tài khoản Weibo "Luật sư Vương Đằng Oscar" tổng hợp, nạn buôn bán phụ nữ trung quốc, bà mẹ 8 con từ châu xích cổ
Các bài báo về thi thể phụ nữ chết trôi ở huyện Phong, thành phố Từ Châu từ năm 2016 đến nay do tài khoản Weibo "Luật sư Vương Đằng Oscar" tổng hợp. (Nguồn ảnh: Weibo)

Trong số đó, năm 2016 phát hiện 1 vụ; năm 2017 có ít nhất 3 vụ "xác phụ nữ chết trôi” lần lượt ở dưới giếng, trong hồ và dưới chân cầu; năm 2020 có ít nhất 2 vụ "xác phụ nữ chết trôi" và cảnh sát không rõ là do tự sát hay bị giết. Hôm 18/1/2022, tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh trích thông tin từ cảnh sát cho biết, vào giữa tháng Một năm nay, một phụ nữ trẻ ở huyện Phong đã ôm đứa con mới 2 tháng tuổi nhảy xuống hồ Nguyên Tử ở thị trấn Lương Trại; khi cảnh sát đến hiện trường, cả hai được xác nhận đã tử vong.

Bài đăng này đã làm dấy lên cuộc thảo luận từ công chúng. Có cư dân mạng còn chỉ ra, “Điểm khác biệt lớn nhất giữa xác chết phụ nữ ở huyện Phong với những nơi khác là: Đều là xác nữ vô danh, không ai đến nhận xác, không có bất kỳ mối quan hệ xã hội nào, cũng không có tên tuổi. … Những người phụ nữ đã chết này giống như mảnh giẻ nát, chẳng còn chút giá trị".

Trên thực tế, ngoài huyện Phong, những vụ việc tương tự cũng xảy ra ở các khu vực khác thuộc các tỉnh Sơn Đông, Hà Nam, An Huy, Giang Tô.

Ông Trần Hồng Đào (Chen Hongtao), một người làm truyền thông thâm niên, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, các quan chức địa phương và thậm chí cả quan chức tư pháp là đồng phạm trong các vụ án này, họ đã đặt các nạn nhân vào tình thế tuyệt vọng. Ông nói, "Nó có thế lực gia tộc, thậm chí là chính quyền, cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án cấp cơ sở, tất cả đều đồng lòng che đậy những sự việc này. Bạn nghĩ xem, những người phụ nữ ngoại tỉnh bị bắt cóc và bán tới đây, căn bản là không có ngày thoát thân. Những người có cá tính mạnh mẽ và không thể chịu đựng kiểu tra tấn đó, họ chỉ có thể tìm đến cái chết”.

Đông Phương (t/h)

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Từ vụ 'bà mẹ Từ Châu 8 con', nhìn lại nạn buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc